Tuy nhiên, thế giới hiện đang ngày càng nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa việc xây dựng hệ sinh thái lành mạnh gắn liền với sự thịnh vượng về kinh tế và đảm bảo phúc lợi cho con người. Nhờ vậy, ngày càng nhiều công cụ tài chính mới được giới thiệu, góp phần thu hẹp khoảng cách về tài chính trong các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.
Dưới đây là một số công cụ tài chính mới được sử dụng để thúc đẩy nỗ lực bảo vệ thiên nhiên.
Hoán đổi nợ lấy thiên nhiên
Công cụ tài chính này sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chi trả một phần các khoản nợ của họ. Đổi lại, các quốc gia cần cam kết tăng cường đầu tư vào các dự án bảo tồn thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Thông qua công cụ này, các nước đang phát triển có thể chuyển mục đích sử dụng nguồn vốn ban đầu được ấn định để trả nợ sang các khoản đầu tư vì thiên nhiên.
Ví dụ, trong tháng 7 vừa qua, chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ xoá khoản nợ 35 triệu USD cho Indonesia trong vòng 9 năm tới để đổi lấy cam kết bảo tồn các rạn san hô của nước này.
Trái phiếu thiên nhiên
Trái phiếu thiên nhiên là một loại hình cho vay rộng rãi để tài trợ cho các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên. Trái phiếu thiên nhiên bao gồm nhiều loại gồm trái phiếu xanh, trái phiếu hiệu suất thiên nhiên và trái phiếu tê giác.
Trái phiếu tê giác là một công cụ tài chính được sử dụng để bảo tồn loài tê giác đen. Ảnh: Unsplash
Trong đó, trái phiếu xanh là các khoản tiền được huy động vào việc bảo vệ đại dương, như thành lập các khu bảo tồn biển hoặc cải thiện quản lý nghề cá. Các trái phiếu này đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á phát hành để tài trợ cho các dự án ở Châu Á và Thái Bình Dương.
Còn về trái phiếu hiệu suất thiên nhiên, đây là khoản hỗ trợ những người đi vay. Theo đó, nếu người vay đạt được các mục tiêu cụ thể liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, họ sẽ được hưởng các khoản vay với nhiều ưu đãi, bao gồm giảm lãi suất hoặc giảm tổng số tiền nợ.
Vào tháng 8, Ngân hàng Thế giới đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 9 năm, trị giá 225 triệu USD để hỗ trợ quá trình gây quỹ cho việc tái trồng rừng ở Amazon. Với những người mua trái phiếu, lợi nhuận sẽ phục thuộc vào những tác động tích cực với khí hậu mà các cây mới tạo ra.
Cuối cùng, trái phiếu tê giác là công cụ tài chính đầu tiên do Ngân hàng Thế giới ra mắt vào năm 2022. Trái phiếu này nhằm mục đích bảo vệ và gia tăng quần thể tê giác đen đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon là một trong những cơ chế tài chính đã được thiết lập nhiều hơn mà thông qua đó các công ty có thể đóng góp vào việc bảo tồn thiên nhiên.
Mỗi tín chỉ đại diện cho 1 tấn carbon dioxide đã được loại bỏ khỏi khí quyển hoặc được thu hồi, không thải ra khí quyển thông qua các dự án như bảo tồn rừng, trồng cây hoặc thu giữ khí mê-tan làm nóng hành tinh từ các bãi chôn lấp.
Các công ty có thể mua tín chỉ carbon để hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải của mình, bên cạnh những nỗ lực cắt giảm phát thải của chính họ. Điều này tạo ra một thị trường tín chỉ carbon, nhằm mục đích tài trợ cho các khoản đầu tư vào các khu vực nghèo hơn trên thế giới, chẳng hạn như bảo tồn rừng mưa nhiệt đới hoặc rừng ngập mặn.
Singapore đã vạch ra kế hoạch trở thành trung tâm dịch vụ carbon, tận dụng vị thế là một trung tâm dịch vụ chuyên nghiệp, thương mại và tài chính hiện có, cũng như vị trí gần Đông Nam Á, để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái dịch vụ carbon và thương mại đáng tin cậy trên toàn thế giới.
Tín chỉ đa dạng sinh học
Tín chỉ đa dạng sinh học là công cụ có thể giao dịch được, nhằm tài trợ cho các hành động dẫn đến kết quả tích cực có thể đo lường được cho thiên nhiên. Các hành động này bao gồm bảo tồn các loài động thực vật cụ thể, môi trường sống tự nhiên hoặc hệ sinh thái.
Về cơ chế vận hành, các nhà đầu tư sẽ tài trợ cho các dự án bảo tồn thiên nhiên, sau đó bán các tín chỉ này cho các công ty nhằm mục đích giảm tác động đến môi trường. Mỗi tín chỉ đại diện cho một đơn vị đa dạng sinh học được phục hồi hoặc bảo tồn trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ, một tín chỉ có thể đại diện cho 1 ha đất được bảo tồn trong 10 năm hoặc mức độ cải thiện về đa dạng sinh học trên 1 ha mỗi năm.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường