Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) trên địa bàn tỉnh, trong đó có Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 27/3/2019 triển khai thi hành Luật PCTN, Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 45- NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh và nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo trực tiếp các nội dung liên quan.
Một phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng, tiêu cực (Ảnh Báo Tuyên Quang).
Các chương trình, kế hoạch đã xác định rõ nội dung, cụ thể hóa trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, nghiêm túc triển khai thực hiện việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo quy định.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo rà soát, xây dựng và hoàn thiện quy định, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền, nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng được nâng cao; nội dung các văn bản ban hành phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 10.246 hội nghị tuyên truyền, quán triệt, triển khai các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực tới trên 1.716.681 lượt người tham gia, cung cấp 29.834 tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện Kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang tham dự với tổng số 17.269 bài dự thi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và được Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen trong việc tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” với tổng số 20.346 lượt người tham gia dự thi với 36.519 bài dự thi.
Thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn tại địa phương được thực hiện bảo đảm theo quy định của pháp luật. Các sở, ngành, UBND cấp huyện đã tiến hành rà soát, lập kế hoạch và thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu công tác, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Trong 5 năm, đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.010 công chức, viên chức.
Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. 5 năm qua, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 10.743 bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Công tác xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo định hướng của Thanh tra Chính phủ về xác minh tài sản, thu nhập. Qua xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đã phát hiện có trường hợp không trung thực và đã bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 4.049 cuộc thanh tra. Qua thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 38,7 tỷ đồng; cơ quan thanh tra các cấp đã chuyển cơ quan điều tra 04 vụ việc do có dấu hiệu tội phạm. Xử lý hành chính 117 tổ chức, 908 cá nhân có sai phạm; thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 17,7 tỷ đồng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động, đảm bảo để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng lấy ý kiến của công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kịp thời xem xét, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí chuyển đến; mở hòm thư góp ý, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác tham nhũng…
Nhìn chung, thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. UBND tỉnh đã chủ động ban hành chương trình, kế hoạch, đưa ra các nhóm giải pháp nhằm phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, sự chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, góp phần tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang