Năng động thoát nghèo
Giữa những nương ngô, mía xanh mướt của xã Vinh Quang (Chiêm Hóa), câu chuyện về anh Ma Văn Vui, dân tộc Tày, thôn Tông Trang đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Từ một người nông dân trồng lúa truyền thống, anh Vui đã vươn lên thoát nghèo, với những vườn bưởi, ổi sai trĩu quả.
Anh Ma Văn Vui chăm sóc vườn cây ăn quả.
Sau khi học xong Trung học phổ thông, anh Vui không bước tiếp theo con đường học tập vào các trường đại học, cao đẳng như bao trang lứa bạn bè. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, anh đã quyết tâm làm kinh tế ngay tại mảnh đất gia đình mình. Với diện tích đất vườn hơn 5.000 m2, anh Vui đã cải tạo lại đất, trồng cây ăn quả. Chưa tự tin với vốn kiến thức mình có, anh Vui tìm cách liên hệ xuống tham quan giống cây trồng, tìm tòi tài liệu trực tiếp với trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được triển khai, anh Vui đã mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt. Nhờ những kiến thức mới học được, anh đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa mì sang trồng bưởi và ổi.
Năm 2011, anh bắt đầu đưa các giống cây ăn quả bưởi Diễn, ổi Lê, ổi Đài Loan, nhãn về trồng. Các loại cây đều được anh trồng xen nhau để tận dụng diện tích đất canh tác. Đất không phụ công người, chăm sóc tỷ mỉ theo hướng dẫn và đúng kỹ thuật, vụ đầu thu hoạch, anh có nguồn thu nhập trên 40 triệu đồng.
Để đảm bảo cây phát triển tốt, anh và gia đình luôn chăm bón đầy đủ phân bón, hệ thống nước được khoan, lắp ống dẫn ngầm đi khắp vườn cây để cung cấp đủ lượng nước tưới hàng ngày. Đến nay, sau nhiều năm đầu tư, vườn cây ăn quả rộng 5.000 m2 của anh Vui phát triển rất tốt. Mỗi năm anh bán trên 6.000 quả bưởi, giá bán từ 4-10 nghìn đồng/kg; trên 4 tấn ổi, giá 15 - 20 nghìn đồng/kg. Từ trồng cây ăn quả, anh có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện anh đang tiếp tục nhân rộng mô hình bằng cách ghép để tạo ra các giống cây con, không chỉ phục vụ cho gia đình mình mà còn bán các giống cây con cho rất nhiều thanh niên, người dân trong và ngoài xã có nhu cầu trồng.
Đưa cá tầm về Trung Hà
Trung Hà có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu và nguồn nước lạnh dồi dào để chăn nuôi cá Tầm. Nắm bắt được đặc tính của con cá tầm, nguồn nước chăn nuôi phải tự nhiên, đảm bảo chất lượng, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bản Ba đã chọn quả đồi ở thôn Khuôn Nhòa, xã Trung Hà xây dựng 5 bể chăn nuôi cá tầm.
Anh Bàn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bản Ba cho biết, sau khi Dự án được phê duyệt, HTX đã phối hợp với các đơn vị có chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm cho các hộ dân liên kết; hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cùng bà con trong toàn bộ quá trình nuôi. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thu mua cá tầm của các hộ gia đình liên kết và tập kết, xuất bán cho đơn vị bao tiêu đầu ra. Đây sẽ là yếu tố giúp Nhân dân yên tâm chăn nuôi, có đầu ra ổn định, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quản lý chất lượng nông sản thuận lợi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.
Mô hình nuôi cá tầm tại huyện Chiêm Hóa.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cá tầm thương phẩm được triển khai thực hiện từ năm 2023 do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa làm Chủ đầu tư, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bản Ba là Chủ trì Dự án, tham gia liên kết là Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang. Năm 2023, đã có 21 hộ thuộc xã Trung Hà, Hà Lang được tham gia Dự án, nuôi 9.000 cá tầm giống. Đầu tháng 10/2024, có 10 hộ thuộc thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ tham gia Dự án với số lượng nuôi 5.000 con. Tham gia Dự án, các hộ nuôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc và một số vật tư trang thiết bị cho vụ nuôi đầu tiên. Người dân sẽ đối ứng mặt bằng và hệ thống bể nuôi, hệ thống cấp thoát nước và thức ăn cho các vụ tiếp theo để duy trì hệ thống nuôi và chuỗi liên kết.
Đồng chí Quan Anh Hiển, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà cho biết, đến nay, qua kiểm tra cá phát triển tốt, cá đã 5 tới 6 lạng. Dự kiến đầu năm 2025 sẽ thu hoạch, ước sản lượng đạt trên 76 tấn cá. Đây là dự án thiết thực, phù hợp với địa phương góp phần cho dân tộc thiểu số và người nghèo, đặc biệt chuỗi cá tầm tạo hàng hóa đặc biệt, bà con có thu nhập, tiếp cận với chương trình để bà con hưởng lợi. Bên cạnh đó, dự án sẽ tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hình thành thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, tạo lập môi trường hợp tác, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất thông qua việc hình thành và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Dự án nuôi cá tầm thương phẩm thành công sẽ giải quyết được công ăn việc làm ổn định, cá tầm có giá trị kinh tế cao, sẽ tăng thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Huyện Chiêm Hóa đang triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Nhiều dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia đã và đang “tạo đà” cho thanh niên, đồng bào DTTS&MN có cơ hội hiện thực hóa những ý tưởng trong phát triển kinh tế. Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 về “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cá tầm thương phẩm” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp triển khai tại 3 xã Trung Hà, Hà Lang và Hùng Mỹ. Bước đầu triển khai thực hiện đã thu được những kết quả nhất định, hứa hẹn sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trên địa bàn.
Câu chuyện về anh Ma Văn Vui và mô hình nuôi cá tầm tại xã Trung Hà là một minh chứng rõ nét cho sự thành công của các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Nhờ những chính sách này, cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Tuyên Quang Online