Trong đó, có 455/705 huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với 46 triệu thửa đất; 705/705 huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 325/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.
Về liên thông điện tử với các Bộ, ngành đã có 46/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối được dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện; 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống một cửa điện tử của địa phương.
Về mô hình hệ thống thông tin đất đai, hiện cả nước có 2 mô hình đang được vận hành là mô hình tập trung và mô hình phân tán, trong đó tập trung cả nước có 32/63 tỉnh đang dùng phần mềm VBDLIS); Mô hình phân tán theo từng tỉnh có 31/63 tỉnh dùng phần mềm ViLIS, ELIS, TMVLIS, DongNaiLIS, SouthLIS.
Để đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện và vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai cho biết, Bộ TN&MT cần đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án "Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, CSDL tài nguyên và môi trường (Giai đoạn l)" để cung cấp phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin đất đai và hạ tầng công nghệ thông tin vào cuối năm 2025 cho các địa phương với mô hình cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất trong cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin, CSDL đất đai ở địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác xây dựng, quản lý, vận hành CSDL đất đai ở trung ương và các địa phương.
Có 46/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Các địa phương cần xây dựng phương án tổng thể với giải pháp, nguồn lực khả thi và tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hoàn thành CSDL đất đai trên đị a bàn tỉnh, thành phố trong năm 2025.
Đồng thời các địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực (nhân lực, kinh phí) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; Rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã có dữ liệu thực hiện việc làm giàu, làm sạch dữ liệu ngay trong quá trình quản lý, vận hành, giao dịch của người sử dụng đất.
Đặc biệt cần tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính cung cấp trên cổng dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Một nhiệm vụ quan trọng là khẩn trương triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong CSDL đất đai ở địa phương với các CSDL quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, tổ chức triển khai trên toàn tỉnh để người sử dụng đất, đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận để bổ sung, làm giàu, làm sạch thông tin về đất đai trong cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường