Mua hàng trên mạng - may hơn khôn
Chị N.T.K.L, tổ dân phố Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) là một người “nghiền” mua sắm trên mạng, dù vậy không phải lần nào chị cũng mua được hàng chất lượng. Chị L. cho biết: Do công việc bận rộn 8 tiếng ngồi văn phòng, không có thời gian để đi mua sắm, nên việc mua hàng trên mạng là lựa chọn số 1. Tranh thủ 5-10 phút nghỉ ngơi thư giãn là chị L. lướt mạng, thấy cái gì ưng mắt, phù hợp với nhu cầu của mình là chị đặt. Hầu hết quần, áo, đồ dùng sinh hoạt trong nhà chị L. đều mua trên mạng, duy đồ ăn, thức uống là chị L. mua trực tiếp.
Chị L. bảo, cũng có đơn đặt trên mạng được hàng ưng ý nhưng cũng có đơn rất bực mình, tiền bỏ ra bằng thật nhưng hàng nhận về thì thất vọng vô cùng. Chị L chia sẻ, tháng 8 vừa qua, chị đặt chiếc quần bò với giá trên 500 nghìn bao gồm cả tiền ship (phí vận chuyển). Vậy mà khi nhận hàng, chị không thể chấp nhận được, chất lượng, mẫu mã sản phẩm hoàn toàn khác so với những hình ảnh chủ trang mạng quảng cáo. Chị có phản ánh lại thì chủ trang mạng không ngần ngại trả lời “Tiền nào của đó, nếu muốn dùng hàng “xịn” phải tiền triệu”.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh trên địa bàn phường Tân Hà (TP Tuyên Quang).
Sau nhiều lần mất tiền oan, chị N.T.T.N, tổ 15, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) mới ngộ ra. Chị N. chia sẻ: Chị rất hay mua quần, áo trên mạng, nên phải tìm nhãn hàng uy tín mới dám đặt hàng không dám thử các nhãn hàng khác, bởi tỷ lệ rủi ro rất cao. Theo lời chị N. thì mình chỉ thử 1 lần sẽ phải trả học phí rất đắt tiền trăm, thậm chí là tiền triệu, hơn nữa mua cái bực vào mình.
Đáp ứng nguyên tắc cung - cầu thời công nghệ số, TMĐT đã và đang có những tác động lớn đến thói quen của đại bộ phận người dân. Hoạt động giao dịch trên không gian mạng đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Trên không gian mạng, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh, chỉ cần 1 cái click chuột, người mua sẽ có thể lựa chọn một hoặc nhiều sản phẩm theo nhu cầu ngay tại nhà. Sự tiện ích và phát triển ấy lại là môi trường thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật, thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 thành phố Tuyên Quang cho biết: Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên mạng internet còn gặp nhiều khó khăn. Khó xác định kho hàng, địa điểm cụ thể của các đối tượng bán hàng online. Do đó để tiến hành kiểm tra cũng chưa đủ căn cứ. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thường sử dụng thông tin giả để tạo nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, sử dụng hình ảnh được lấy từ chính hãng để lừa dối người tiêu dùng, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thực thi nhiệm vụ.
Quản lý chặt hoạt động TMĐT
Siết chặt quản lý hoạt động TMĐT, ngày 6-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 56/CĐ-TTg, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin đối với các chủ thể hoạt động thương mại điện tử…
Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT đang tiếp diễn ngày càng tinh vi, mở rộng với nhiều hình thức mới. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về phía Sở Công thương cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT phù hợp, hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua…
Đồng chí Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang khẳng định: Cục đã kiện toàn Tổ công tác về TMĐT trên cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Cục cũng yêu cầu các Đội nắm chắc địa bàn, tập trung rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm theo quy định. Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra, xử phạt 8 vụ vi phạm hành chính gian lận thương mại trên môi trường TMĐT với các hành vi buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet; không thông báo Website TMĐT với cơ quan có thẩm quyền…
Đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả về quản lý Nhà nước cũng như tạo cơ chế thuận lợi trong giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh, giám định sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngành Công thương, Cục quản lý thị trường đã tham mưu để sửa đổi bổ sung quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích TMĐT phát triển theo hướng bền vững.
Cục cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ổn định thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm trên cơ sở xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Cục Quản lý thị trường tỉnh đề nghị người tiêu dùng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại trên môi trường TMĐT, báo ngay với lực lượng chức năng để điều tra xử lý theo đúng quy định; không mua bán, sử dụng các mặt hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.
Theo Báo Tuyên Quang Online