Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng quy định quy trình kỹ thuật về trám lấp giếng bị hỏng, không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước, gồm: Giếng khoan, giếng đào để điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Giếng khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; Giếng khoan thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản. Riêng Giếng khoan thăm dò, khai thác dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này.
Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến việc trám lấp giếng không sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước.
Theo Quy chuẩn được ban hành, về yêu cầu chung, trước khi thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cần nghiên cứu hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công giếng (nếu có) và điều kiện thực tế của giếng; lựa chọn máy móc, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, vật liệu, nhân lực, phương án thi công trám lấp giếng phù hợp để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác trám lấp giếng.
Đồng thời, việc trám lấp giếng phải bảo đảm thực hiện kịp thời, ngăn chặn nước, chất bẩn từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước và ngăn chặn sự lưu thông giữa các tầng, lớp chứa nước khác nhau qua giếng; và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
Trong đó, Quy trình trám lấp giếng không sử dụng đối với giếng khoan, giếng đào để điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất và giếng khoan thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản y được thực hiện theo 6 bước, thứ tự gồm: Thông báo về việc trám lấp giếng; Kiểm tra, đánh giá tình trạng giếng; Vệ sinh giếng; Chuẩn bị vật liệu, dụng cụ, máy móc, thiết bị và nhân lực trám lấp giếng; Thi công trám lấp giếng và Báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng.
Cũng theo Thông tư, Quy trình trám lấp giếng không sử dụng đối với giếng khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm được thực hiện theo TCVN 9437:2012 Khoan thăm dò địa chất công trình.
Bộ TN&MT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng
Bên cạnh việc quy định quy trình lấp giếng không sử dụng, Quy chuẩn cũng quy định cụ thể về quy trình kỹ thuật và yêu cầu quản lý phải tuân thủ trong công tác trám lấp giếng không sử dụng; trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; và tổ chức thực hiện. Trong đó, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm tổ chức phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Định kỳ, trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp danh mục các giếng đã trám lấp trên địa bàn, gửi báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để tổng hợp.
Định kỳ, trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tổng hợp danh mục các giếng đã trám lấp trên địa bàn, gửi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Định kỳ, trước ngày 25 tháng 12 hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng trên địa bàn.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường