Sáng 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cùng tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE).
Lãnh đạo các Bộ, ngành cho biết tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời mong muốn doanh nghiệp quan tâm đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục đoàn kết, cùng phát triển để đóng góp cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trao đổi một số vấn đề doanh nghiệp kiến nghị liên quan đến: Đất đai, môi trường và khoáng sản.
Về đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ, hội nghị hôm nay được tổ chức sau hơn một tháng triển khai Luật Đất đai mới, trong đó có nhiều nội dung thay đổi so với Luật Đất đai 2013, nhiều nội dung doanh nghiệp kiến nghị đã được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trong Luật Đất đai mới và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Đối với ý kiến của doanh nghiệp nêu khó khăn trong phát triển khu công nghiệp, nhất là chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp hay sử dụng vì mục đích khác, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hiện nay Luật Đất đai đã quy định mục tiêu sử dụng đất theo quy hoạch tỉnh. Hôm qua (20/9), Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn.
Đối với kiến nghị của Sun Group liên quan đến giao đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng và tính giá đất theo thời điểm giao đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định trong Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn đã quy định đúng như trên, giải phóng đến đâu giao đất đến đó, giao đất ở thời điểm nào thì xác định giá đất ở thời điểm đó.
Trong Luật và Nghị định hướng dẫn về xử lý chuyển tiếp các trường hợp cũng đã nêu nếu giao đất từ ngày 1/1/2005 (tức là thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực) đến nay chưa tính tiền sử dụng đất thì thời điểm để xác định tiền sử dụng đất cũng xác định từ thời điểm giao đất.
Đối với đất sử dụng cho mục địch hỗn hợp cũng đã có quy định cụ thể để tính tiền sử dụng đất theo loại đất hỗn hợp, như các dự án của Sun Group về phát triển du lịch.
Đối với kiến nghị của Gleximco về giao đất cho nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án quy mô lớn, về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn đồng tình trong việc điều chỉnh quy định về đấu thầu. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược theo hình thức chỉ định trực tiếp nhà đầu tư chứ không qua đấu giá đấu thầu.
Cũng liên quan đến kiến nghị của Gleximco về nộp tiền sử dụng đất 1 lần hoặc 50 năm với nhà chung cư. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội đã quyết định hình thức sở hữu nhà chung cư là dài hạn, như vậy sở hữu dài hạn thì đất phải là đất sử dụng lâu dài và nộp tiền sử dụng đất là đất ở. Còn trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì là đất kinh doanh dịch vụ. Trong trường hợp này, theo Luật Đất đai, nhà đầu tư có thể chọn trả một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền hàng năm.
Lãnh đạo các Bộ, ngành dự Hội nghị
Về nội dung môi trường, các nhà đầu tư cũng nêu ý kiến về nội dung cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ đã đề xuất sửa Nghị định 08 về Bảo vệ môi trường, theo đó có khoảng 11% thủ tục về môi trường được cắt giảm, tức là không phải thực hiện. Còn 56% thủ tục trước đây phải về Bộ thì nay chuyển về địa phương.
Về khoáng sản, trước đây giao cho doanh nghiệp thực hiện khai thác mỏ và khi kết thúc thì đóng cửa mỏ, tiếp cận theo hướng doanh nghiệp tự đóng cửa mỏ và trả về cho Nhà nước. Tuy nhiên theo Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định 158 năm 2016 quy định muốn hoàn thành đóng cửa mỏ thì doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Vì vậy dẫn đến vướng của mỏ Quý Sa và có thể cả mỏ Thạch Khê.
Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tuần tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ theo hướng vẫn thực hiện đóng cửa mỏ, còn nghĩa vụ tài chính sẽ ghi trong quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ và nghĩa vụ ràng buộc với nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được với cả mỏ Quý Sa và Thạch Khê.