Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam

15/11/2024 - 08:22
59

Ngày 14/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội nghị.

 

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_2.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”

Hội nghị có sự tham gia của các bộ: Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ; đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề thách thức không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề nổi cộm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại hai thành phố trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI ) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị lần này, ngoài việc chia sẻ diễn biến hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí tại một số tỉnh thành phố lớn của Việt Nam; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thành công để quản lý chất lượng môi trường không khí tại một số quốc gia trong khu vực, Hội nghị cũng đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Các nhóm giải pháp đó là:

Nhóm các giải pháp về chính sách, tập trung vào các chính sách về thuế BVMT, phí BVMT đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể, khả thi đối với “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (về thuế nhập khẩu) đối với các thiết bị, công nghệ xử lý hoặc giảm thiểu phát sinh khí thải; chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ sản phẩm thu hồi như phụ phẩm nông nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhóm các giải pháp về kỹ thuật, thực hiện theo đúng lộ trình chuyển đổi công nghệ của các nhà máy (nhiệt điện) sử dụng nhiều nguyên liệu thô, phát thải nhiều sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển “rừng trong thành phố”. Thực hiện khẩn trương công tác kiểm kê nguồn thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; triển khai các biện pháp giám sát nguồn thải lớn thông qua hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu online. Việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI) cần được thực hiện nghiêm túc và kịp thời nhằm công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí. Đồng thời, cần nhanh chóng tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí để giảm thiểu những tổn thất của nền kinh tế, ảnh hướng tới các hoạt động xã hội và thiệt hại về sức khoẻ con người.

Đối với nhóm các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải, các địa phương cần khẩn trương rà soát lại để có lộ trình di dời các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, trong đó có các làng nghề quanh khu vực ngoại thành Hà Nội và phụ cận; phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm; kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng; nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp, đã đến lúc cần xử lý nghiêm các hành vi đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp trái các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về nhóm các giải pháp truyền thông, cộng đồng, các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin kịp thời và chính xác tới người dân nhằm có biện pháp hữu hiệu để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ, nhưng không làm xáo trộn các hoạt động kinh tế - xã hội, gây dư luận hoang mang.

Cuối cùng, đối với nhóm các giải pháp về nguồn lực, kinh tế: tập trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn tác động đến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường... Về lâu dài, cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất. Nghiên cứu, thí điểm phương án thu thuế, phí với những phương tiện/ nguồn thải phát sinh nhiều khí thải gây ô nhiễm (người gây ô nhiễm trả tiền); thu phí đối với phương tiện cá nhân khu vực nội thành, giờ cao điểm…

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang thí điểm mô hình “vùng phát thải thấp”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là mô hình cần được ứng dụng, triển khai. Bất kể một sáng kiến hay giải pháp nào cũng đều có mặt tích cực và chưa tích cực, nhưng đều thể hiện quyết tâm. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn cùng chung tay góp sức, tìm kiếm và triển khai thử nghiệm các “giải pháp xanh” cho khu vực nội đô thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã rất rõ ràng và kiên định “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Với công tác bảo vệ môi trường không khí, cần phải có sự chung tay và xác định đây là công việc chung của toàn xã hội. Từ những nhận định, đánh giá, kết luận, kiến nghị của ngày hôm nay, các Bộ, ngành, địa phương cần xác định lại nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của mình và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí như hiện nay. Chủ động sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới, quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung (kiểm soát nguồn thải lớn; hạn chế nguồn thải phân tán), đặc biệt là giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu “Bầu trời xanh – Không khí sạch”.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang