Bước chuyển mạnh mẽ tạo không gian phát triển mới

16/12/2024 - 08:14
42

Đặt vấn đề về yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện, tạo động lực mới cho phát triển, trong bài viết về chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

 

Chuyển đổi số mở ra hướng phát triển mới, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. (Trong ảnh: Bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ở Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp).

Chuyển đổi số mở ra hướng phát triển mới, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. (Trong ảnh: Bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ở Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp).

Theo Tổng Bí thư, chuyển đổi số mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ… Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là giải pháp cho những vấn đề lớn

Với ba trụ cột, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, cuộc cách mạng sẽ tạo ra sự thay đổi toàn diện, bao trùm và sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Sự thay đổi căn bản công việc và cách thức hoạt động của các tổ chức, tạo ra không gian phát triển mới, tài nguyên mới; tăng cường kết nối và toàn cầu hóa; tác động sâu sắc đến xã hội, văn hóa cũng như thói quen tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là giải pháp cho những vấn đề lớn chưa có lời giải bền vững như năng suất lao động thấp; cạn kiệt tài nguyên; thiên tai và biến đổi khí hậu; khoảng cách nông thôn và thành thị; phòng chống tham nhũng và tiêu cực; bộ máy nhà nước cồng kềnh; năng lực cạnh tranh quốc gia…

Nhấn mạnh bốn nhóm vấn đề trọng tâm về chuyển đổi số mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ trong bài viết, hướng tới dấu mốc 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam vươn lên thành quốc gia hùng mạnh. Nếu không có sự phát triển bứt phá, rất khó đạt được mục tiêu đặt ra cho hai dấu mốc 100 năm. Do đó, phải coi hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, quan trọng như hạ tầng giao thông, năng lượng. Về nhân lực số, cán bộ phải có kỹ năng số, tư duy số, quản lý số... Đó cũng là bước phát triển trong tư duy của Đảng về chiến lược cán bộ. Bởi chuyển đổi số ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức chính trị-xã hội; giúp tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trên thực tế, chuyển đổi số đã góp phần thay đổi cách thức vận hành các công tác của Đảng, từ tổ chức sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, quản lý hồ sơ đảng viên. Nhờ chuyển đổi số, cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở cũng được nghe lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cập nhật kịp thời các chỉ đạo mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về chính phủ số, đến năm 2025 sẽ kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử, ít nhất 70% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến toàn trình. Từ năm 2026 tiến đến số hóa toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước, kết nối các cơ sở dữ liệu.

Thay đổi cách thức tương tác với nhân dân

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin giúp tổ chức, người dân dễ tiếp cận với quy định chế độ, chính sách, quyền lợi và trách nhiệm, mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử, hướng tới triển khai toàn diện việc chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, đồng bộ với thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Người đứng đầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tích cực, chủ động triển khai thực hiện đúng tiến độ, trên nguyên tắc: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình tổ chức thực hiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức.

Tại Chi bộ Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (Đảng bộ BHXH Việt Nam), chuyển đổi số thường được chọn làm chuyên đề sinh hoạt đảng. Từ đó chuyển hóa thành hành động đã giúp đơn vị vận hành và phát triển hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành. Các quy định về khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế được chuyển đổi thành các quy tắc giám định điện tử, tự động phát hiện các yêu cầu thanh toán sai quy định, các trường hợp lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế.

Theo Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Dương Tuấn Đức, đơn vị xây dựng các công cụ quản lý rủi ro, hiển thị qua bản đồ, biểu đồ trực quan; kết quả giám sát, phân tích đánh giá, thông tin cảnh báo được cung cấp trực tuyến, hằng ngày đến từng cơ sở y tế và các cơ quan quản lý. Việc minh bạch thông tin giúp kiềm chế các gia tăng bất hợp lý, kịp thời điều chỉnh để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đồng thời, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhận dạng ký tự quang học đang được nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số góp phần gia tăng hiệu suất làm việc nhóm, chủ động trong phân tích dữ liệu, xây dựng chuyên đề giám định và hướng dẫn BHXH các tỉnh thực hiện. BHXH Việt Nam đã tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng chi khám, chữa bệnh mỗi năm, đồng thời phát hiện và kiến nghị xử lý, ngăn ngừa nhiều trường hợp lạm dụng, trục lợi trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, kết quả số hóa toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh từ lúc bệnh nhân vào viện đến khi ra viện đã giúp quá trình quản lý dữ liệu bệnh nhân trở nên thuận lợi và tiết kiệm rất nhiều so hồ sơ bệnh án giấy. Cách làm này đồng thời giúp giảm thủ tục hành chính, tăng thời gian cho nhân viên y tế khám bệnh, điều trị, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh, tăng công suất khám bệnh.

Theo Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện, Thầy thuốc Nhân dân Hà Hữu Tùng, chuyển đổi số đã đơn giản hóa quy trình làm việc, giúp bệnh nhân có thể đăng ký lịch khám thông qua điện thoại, trang web, hoặc thông qua kios thông tin. Người bệnh không cần sử dụng phim X-quang, sổ khám bệnh, không cần lưu giấy tờ và có thể truy cập hồ sơ sức khỏe cá nhân mọi lúc, mọi nơi. Điều này đã tạo ra hiệu quả khác biệt như chất lượng hồ sơ bệnh án đã nâng lên; tăng thời gian khám bệnh cũng như sự hài lòng của người bệnh; đồng thời giảm chi phí in ấn và lưu trữ hồ sơ,…

Ước tính hằng năm, bệnh viện tiết kiệm cả chục tỷ đồng. Hơn thế, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dân không cần xếp hàng đợi lâu, thanh toán viện phí tại giường bệnh thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Chuyển khoản bằng mã quét QR động, quẹt thẻ thanh toán bằng POS, mini POS…

Hiện nay, tỷ lệ thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đạt đến 80%, là tỷ lệ cao nhất cả nước. Giải pháp này vừa nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, vừa thể hiện việc triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính phủ điện tử, minh bạch tài chính, góp phần mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành y tế.

Thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu đến năm 2030, chính phủ số của Việt Nam thuộc nhóm 50 trên thế giới và đến năm 2045 vào nhóm 30.

Ở thời điểm hiện tại, kinh tế số năm 2024 chiếm 18,6% GDP, mục tiêu năm 2025 là 20% GDP, năm 2030 là 30% GDP. Để hoàn thành các mục tiêu đó, yếu tố tiên quyết là phải tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhân lực số; nâng cao kỹ năng cho mọi người dân, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong môi trường số, tạo bước chuyển mạnh mẽ, mở ra không gian phát triển mới.

Theo Báo Tuyên Quang Online

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang