Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 7 lớp tập huấn tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ tại nguồn cho 700 hội viên, nông dân; vận động thành lập 86 mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn với 3.088 thành viên; thành lập 26 mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” với 762 thành viên.
Hội Nông dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) hướng dẫn hội viên xử lý rác thải nông nghiệp thành phân bón tại nguồn.
Các mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” ra đời đã góp phần nâng cao ý thức của hội viên nông dân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, nhiều hoạt động đã được duy trì như thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học Sumitri…
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn khẳng định, mô hình ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của hội viên nông dân. Qua đó đã góp phần giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo môi trường sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”, Hội Nông dân tỉnh đã làm việc với tổ chức EarthCare Foundation đưa đoàn đi học tập kinh nghiệm thực hiện dự án tại Hải Phòng. Theo đó, cán bộ, hội viên đã được thông tin về nội dung dự án; thực trạng phân loại, xử lý rác thải hiện nay. Đồng thời được tập huấn các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình như: kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; ủ phân hữu cơ; nuôi gà trên đệm lót sinh học; nuôi sâu canxi và trùn quế… Các cán bộ, hội viên cũng được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện môi trường tại địa phương. Qua đó nhằm vận động hội viên, nông dân áp dụng các phương pháp chuyển hóa chất thải hữu cơ lành mạnh, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xây dựng các mô hình xử lý rác thải trong sinh hoạt, trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về phòng chống rác thải nhựa, nâng cao trách nhiệm của hội viên trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Phấn đấu đến năm 2025, 100% gia đình hội viên nông dân được hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Báo Tuyên Quang Online