Đây là cơ sở để tăng khối lượng giao dịch tín chỉ các-bon giữa các quốc gia, tổ chức, đồng thời, thúc đẩy các hành động giảm phát thải diễn ra mạnh mẽ hơn.
Thế giới đã mất 10 năm đàm phán về thị trường các-bon toàn cầu, và năm nay, Hội nghị COP 29 đã có bước đột phá quan trọng đầu tiên. Điều 6 của Thỏa thuận Paris tạo khuôn khổ cho một thị trường các-bon thống nhất trên phạm vi toàn cầu, nhằm giúp các quốc gia có thể hợp tác đạt được mục tiêu khí hậu thông qua trao đổi tín chỉ các-bon và tạo thuận lợi cho các giao dịch các-bon xuyên biên giới. Cụ thể, Điều 6.2 quy định Cơ chế hợp tác chuyển giao kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điều 6.4 quy định về Cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững. Điều 6.8 quy định về Cơ chế phi thị trường tích hợp, tổng thể và cân bằng.
Thực tế, các quốc gia không đồng đều về trình độ phát triển kinh tế sẽ có những lợi ích khác nhau. Có nước khai thác nguyên liệu các-bon thô, có nước chủ yếu là tiêu thụ. Thị trường các-bon theo Điều 6 phải tuân thủ quy tắc “điều chỉnh tương ứng” nhằm chứng nhận kết quả giảm phát thải từ bên bán sẽ không được tính vào kết quả giảm phát thải tại quốc gia sản xuất ra tín chỉ, đảm bảo quyền lợi sở hữu kết quả giảm phát thải khí nhà kính thuộc về bên mua.
Hội nghị COP 29 đã thống nhất các hướng dẫn trao đổi tín chỉ các-bon toàn cầu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris
Tại COP 29, các tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi tín chỉ các-bon hình thành từ các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang Cơ chế Điều 6.4 đã được thông qua.
Về điều 6.2, Quyết định của Hội nghị COP29 giải thích thêm về cách các quốc gia sẽ cho phép giao dịch tín chỉ các-bon và cách đăng ký theo dõi điều này sẽ hoạt động như thế nào. Tính toàn vẹn của môi trường sẽ được đảm bảo trước thông qua các đánh giá kỹ thuật theo một quy trình minh bạch.
Điều 6.4 được thông qua trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị COP29. Các nước đã thống nhất các tiêu chuẩn về thị trường các-bon tập trung theo Liên Hợp quốc. Đây là tin tốt cho các nước đang phát triển – dự kiến sẽ được hưởng lợi từ các dòng tài chính mới liên quan. Đối với các nước kém phát triển nhất, đây là tin đặc biệt tốt bởi họ sẽ nhận được sự hỗ trợ xây dựng năng lực cần thiết để có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, COP 29 đã đưa ra các quy định về giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai của cơ chế phi thị trường theo Điều 6.8.
Để tiếp tục triển khai, các Bên tham gia Hội nghị COP29 đã đưa ra một danh sách việc cần làm năm 2025 cho cơ quan giám sát thiết lập cơ chế tín chỉ các-bon mới.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev khẳng định: Hoàn tất đàm phán Điều 6 có thể giảm chi phí thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia khoảng 250 tỷ đô la mỗi năm, trên cơ sở hợp tác giảm phát thải khí nhà kính xuyên biên giới. Chủ tịch COP29 khuyến khích các quốc gia tái đầu tư khoản tài chính này để nâng cao mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu trong lần cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm sau. Từ đó, đóng góp lớn hơn cho mục tiêu toàn cầu trong việc giữ mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C vào cuối thế kỉ.
Việc thông qua các hướng dẫn chi tiết cho thị trường các-bon toàn cầu được xem là đã “mở khóa” công cụ giúp mục tiêu 1.5 độ C ở trong tầm với. Ông Mukhtar Babayev nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu là một thách thức xuyên quốc gia và Điều 6 sẽ cho phép các giải pháp xuyên quốc gia. Bởi vì bầu khí quyển không quan tâm đến việc giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện ở đâu”.
Ngành hàng không Việt Nam sẽ tham gia giai đoạn tự nguyện của kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế từ 1/1/2026 nên rất chờ đợi bước tiến này. Ông Nguyễn Phước Thắng - Cục Hàng không Việt Nam, Thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam tại COP29 cho biết: Việc thống nhất một bộ quy tắc chung cho các tín chỉ các-bon rất thuận lợi cho việc chúng ta có thể giao dịch minh bạch. Trên cơ sở đó, các hãng hàng không Việt Nam sẽ có thể mua được những tín chỉ các-bon đủ điều kiện từ các dự án triển giảm phát thải triển khai tại Việt Nam. Giá cũng sẽ rẻ hơn so với tín chỉ quốc tế.
Ngành Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Chương trình giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA) từ năm 2026 trở đi và đang có nhu cầu lớn về tín chỉ các-bon
Tại Việt Nam, quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có hiệu lực từ 2021. Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon và sẽ thí điểm từ năm 2025, chính thức hoạt động từ năm 2028.
Từ nhưng năm 2000 đến nay, Việt Nam có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ các-bon và giao dịch, phân chia khoảng 41 triệu tín chỉ các-bon ra nước ngoài theo các tiêu chuẩn tín chỉ các-bon khác nhau. Trong đó, riêng về tín chỉ các-bon theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) đạt tiêu chuẩn Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 4 các quốc gia có số lượng dự án nhiều nhất và top 10 quốc gia được cấp nhiều tín chỉ các-bon nhất.
Để có cơ sở chặt chẽ cho việc chuyển giao tín chỉ các-bon từ Việt Nam ra quốc tế để sử dụng cho mục tiêu NDC của quốc gia đối tác theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất quy định về cấp Thư chấp thuận chuyển giao quốc tế tín chỉ các-bon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo đó, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và quốc gia đối tác đối tác cần được ký kết theo Luật Điều ước quốc tế.
Song song với việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì triển khai hàng loạt các hội nghị, hội thảo cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường