Đấu tranh, phản bác với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay

29/11/2024 - 10:32
58

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc cùng đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Mỗi dân tộc phát huy bản sắc dân tộc về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực … hình thành nên một nền văn hoá Việt Nam đặc sắc, thống nhất trong đa dạng. Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Những luận điệu xuyên tạc, chống phá, bóp méo sự thật

Đã từ rất lâu, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ cộng đồng các dân tộc, nhất là chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh, kích động ly khai, tự trị; chia rẽ các dân tộc với Đảng, Nhà nước và chế độ. Để thực hiện âm mưu đó, chúng đã và đang tiến hành  nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, với những hoạt động lén lút, núp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, vừa bí mật, vừa “công khai hóa, quốc tế hóa”; gắn vấn đề dân tộc với vấn đề nhân quyền và tôn giáo; tăng cường phát triển tôn giáo ở các vùng dân tộc thiểu số để tập hợp quần chúng tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn năm 1952. Ảnh: Tư liệu

Các “điểm nóng” về chính trị - xã hội xảy ra ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ những năm gần đây cho thấy, sự chỉ đạo, hậu thuẫn trực tiếp của các đối tượng bên ngoài là một yếu tố thúc đẩy bọn phản động trong nước gieo rắc tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị; kích động đồng bào phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện âm mưu quốc tế hóa vấn đề dân tộc bằng nhiều thủ đoạn. Chúng tuyên truyền, kích động chống đối, thổi phồng những khác biệt giữa các dân tộc thành các mâu thuẫn, xung đột, nhằm kích động sự chống đối trong người dân tộc thiểu số với người Kinh. Lợi dụng chính sách đổi mới, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức phản động như: Việt Tân, Quỹ Người Thượng (MFI), Đài Á Châu tự do (RFA), Tổ chức người Thượng vì công lý (MSFJ)… triệt để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội để đẩy mạnh hoạt động chống phá, kích động chia rẽ dân tộc, xuyên tạc, vu cáo, đả kích chế độ…

Ngoài ra, các thế lực phản động, thù địch triệt để lợi dụng phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa hòng tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc đi theo, dùng thần quyền, giáo lý để nắm và khống chế quần chúng, chi phối các địa bàn, hình thành lực lượng đối trọng với chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội ở các địa phương. Những luận điệu trên đều là những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta. Bởi, từ lý luận và thực tiễn, vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển của đất nước. Đó là tài sản quý báu mà các thế hệ Việt Nam phải giữ gìn, trân trọng, kế thừa và phát huy. Người khẳng định: “Đồng bào tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà”[1].

Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/04/1946, Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, các dân tộc không phân biệt “già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” [2].

Những cơ sở và căn cứ địa cách mạng ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số như một “điểm tựa”, có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám cũng như trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã hy sinh sức người, sức của, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc, bảo vệ và nuôi giấu cán bộ. Đó cũng là địa bàn Bác Hồ tiến hành tuyên truyền, giáo dục và cổ vũ đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc… Rất nhiều đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông... không quản gian nguy, không tiếc của cải… góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Kế thừa, phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc trong tình hình mới.

Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 (Hội nghị Trung ương 7 khóa IX) “Về công tác dân tộc”, nêu rõ: Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng... Các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chống kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Các quan điểm trên được tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Đặc biệt, tại Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; mục tiêu đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” tiếp tục đặt ra yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất, trong đó có việc giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (Krông Ana, 
Đắk Lắk) năm 2018. Ảnh: TTXVN

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển... Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ngoài ra, Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 nêu rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án, tiểu dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; trạm y tế xã đạt chuẩn… Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021-2030” tập trung vào các nhiệm vụ duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người với các đồng bào dân tộc thiểu số khác trong vùng.

Thực tế là, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như: Đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam có các trường chuyên biệt đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số như: Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc… Phát huy vai trò của chủ thể văn hóa, người có uy tín, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn/bản người dân tộc thiểu số trong các chính sách phát triển. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức trong những năm qua là ngày hội của đồng bào các dân tộc, góp phần giới thiệu, tôn vinh các di sản văn hóa dọc theo chiều dài đất nước. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn.

Mạch nguồn chảy mãi

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với dân số trên 14 triệu người, chiếm hơn 14,2% dân số cả nước. Địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số phần lớn là miền núi, chủ yếu tập trung ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam Bộ.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế.

Sự đa dạng về thành phần dân tộc tại đã tạo nên không gian nhiều màu sắc cho bức tranh văn hóa, lịch sử Việt Nam. Với bề dày của truyền thống văn hóa, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã sáng tạo ra nền văn hóa, văn nghệ dân gian đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, với những sử thi, truyện thơ nổi tiếng như: Đam San, Xống trụ xôn xao, sử thi Tây Pú Xấc…

Nét chung của văn hóa các dân tộc ở Việt Nam đó là nếp sống hòa thuận, đoàn kết giữa các dân tộc, như trong câu ca của dân tộc Thái vùng Tây Bắc:

“Tuy ở khác bản, nhưng chung mường,

Ở khác phương nhưng chung vùng

Ở mỗi người một khe suối,

Nhưng có chung một vận mệnh”.

 hay:

“…Quân Ngải, quân Khanh,

Quân của Thiên Chất.

Ai muốn biết hãy coi

Người Kinh cùng người Hoa,

Người Thái, với người Lào, người Xá,

Vui vẻ cùng nhau tay làm, miệng hát…” [3].

Ở Tây Nguyên, lần theo những bến nước, nương rẫy, đại ngàn hùng vĩ của của những áng trường ca, sử thi huyền thoại; những đêm hội rộn ràng tiếng cồng chiêng với những giai điệu ngân lên sẽ bắt gặp sự quyết tâm chống giặc ngoại xâm, đoàn kết, động viên nhau cùng gìn giữ buôn làng, nương rẫy thân yêu... như bài ca của người Sê Đăng: “Nước ta to/ Rừng ta lớn/ Ná tên ta nhiều/ Đếm không xuể/ Nhìn không xiết/ Pháp bao nhiêu tên? Chúng đánh núi ta/ Ta lại phải chịu?/ Một người không mạnh/ Trăm người chưa khỏe/ Cả rừng đánh được/ Cả núi đánh nhanh/ Lấy người Kinh làm anh/ Tìm người Kinh làm em.../ Tất cả con một ruột/ Kết một lòng”... Lịch sử cách mạng Việt Nam đã từng chứng kiến một Tây Nguyên luôn bày tỏ niềm tin tuyệt đối, thủy chung, son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng, sát cánh cùng nhau chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, xả thân vì Tổ quốc và vun đắp cho mối tình đoàn kết, keo sơn giữa các dân tộc. Tiêu biểu như các anh hùng: Đinh Núp (dân tộc Ba Na); Kpă Klơng, Kpă Ó (dân tộc Jrai); Y Buông, A Tranh (dân tộc Xơ Đăng)…

Có thể thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, dù trong hoàn cảnh nào, đồng bào các dân tộc nước ta đều gắn bó ruột thịt, cùng chung sức, đồng lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết dân tộc vẫn là sợi chỉ đỏ, dòng chủ lưu xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trên hành trình đó, mặc dù sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng vươn lên mãnh liệt, với quyết tâm chính trị cao - sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ đoàn kết cả dân tộc, cùng vững tin hành động, đổi mới sáng tạo hiện thực hóa khát vọng lớn lao đó. Một quốc gia không thể hùng cường nếu các mảnh ghép trong nó phân tán, rời rạc. Mỗi một người dân “con Lạc, cháu Hồng” hãy đồng lòng, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng chung tay vì một Việt Nam bình yên, phát triển.

-----------

 [1] Hồ Chí Minh toàn tập,  H.2011, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.13, tr.83

 [2] Hồ Chí Minh toàn tập,  H.2011, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr.520

 [3]Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Theo Báo Tuyên Quang Online

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang