Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong công tác thẩm định, phê duyệt và quản lý trữ lượng, tài nguyên. Công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn một số lúng túng trong việc đề xuất yêu cầu theo dõi, quản lý chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng, trữ lượng trong các báo cáo kết quả thăm dò và sự thay đổi của trữ lượng và tài nguyên ở các mỏ đã được cấp phép. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thăm dò và quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản.
Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở thăm dò, đánh giá tổng thể về trữ lượng, tài nguyên làm cơ sở quản lý và lập dự án đầu tư khai thác mỏ có hiệu quả, bền vững.
Khái niệm tài nguyên, trữ lượng và chỉ tiêu tính trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò và hoạt động khoáng sản
Phân cấp trữ lượng/tài nguyên khoáng sản rắn của Việt Nam ban hành tại Thông tư 60/2017/TT-BTNMT và các thông tư quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ khoáng sản riêng biệt cơ bản phù hợp với thực tế và quy định của các nước. Trữ lượng và tài nguyên khoáng sản có thể hiểu như sau:
Tài nguyên khoáng sản (Mineral resources) là tổng lượng khoáng sản có thể tìm thấy trong một khu vực cụ thể. Đây là số liệu được suy đoán, dự tính và xác định dựa trên nghiên cứu địa chất, khảo sát và thăm dò. Tài nguyên không phụ thuộc vào khả năng khai thác kinh tế hoặc công nghệ hiện có.
Trữ lượng khoáng sản (Mineral reserves) là một phần của tài nguyên khoáng sản xác định có thể khai thác kinh tế bằng công nghệ hiện tại. Đây là lượng khoáng sản mà chúng ta có thể khai thác và sử dụng. Trữ lượng khoáng sản xác định trong báo cáo kết quả thăm dò được phân thành các cấp khác nhau chủ yếu dựa theo mức độ tin cậy địa chất, còn mức độ hiệu quả khai thác kinh tế phải qua báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư khai thác mỏ. Trữ lượng và tài nguyên được tính theo từng thời điểm, có phạm vi sử dụng; giữa trữ lượng và tài nguyên có thể được chuyển đổi qua lại cho nhau khi có sự thay đổi các yếu tố về công nghệ, kinh tế, môi trường...
Theo quy định các báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản phải xác định chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng, đó là các thông số quy định về chất lượng (hàm lượng biên và hàm lượng công nghiệp tối thiểu) và điều kiện khai thác mỏ (bề dày thân quặng tối thiểu và chiều dày lớp kẹp tối đa…) làm cơ sở cho việc khoanh nối ranh giới thân quặng và sơ bộ đánh giá tính khả thi của trữ lượng. Trước đây chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng được xác định và công nhận trước khi thành lập báo cáo, hiện nay thủ tục này đã được bãi bỏ và quy định trong quá trình thành lập báo cáo.
Ví dụ với các mỏ khoáng sản kim loại, khi ranh giới thân quặng không rõ ràng cần phải xác lập chỉ tiêu hàm lượng biên để khoanh nối ranh giới thân quặng, còn hàm lượng công nghiệp tối thiểu phải sơ bộ xác định mức hàm lượng có thể khai thác có hiệu quả, và có thể được lấy theo tương tự. Các thông số chiều dày thân quặng tối thiểu và chiều dày lớp kẹp tách trong báo cáo thăm dò thường lựa chọn theo chiều dài lấy mẫu và phương pháp khai thác... (Hàm lượng biên, hàm lượng công nghiệp tối thiểu sử dụng trong các báo cáo kết quả thăm dò không hoàn toàn tương đồng với khái niệm hàm lượng biên, hàm lượng công nghiệp trong khai thác mỏ, hoặc hàm lượng ngắt (cut off grade) trong báo cáo đánh giá trữ lượng, tài nguyên trong các phần mềm thăm dò và khai thác mỏ).
Thăm dò titan khu vực Bình Thuận
Công tác quản lý tài nguyên, trữ lượng trong hoạt động khoáng sản cần hướng đến thực chất là quản lý lượng đầu ra của quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên
Thông tin về tài nguyên và trữ lượng khoáng sản là cơ sở để thống kê nguồn lực tài nguyên quốc gia, phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành công nghiệp. Trữ lượng khoáng sản được thẩm định, công nhận là số liệu cơ bản đầu vào của dự án đầu tư khai thác mỏ nhằm hạn chế rủi ro của dự án khai thác, cần được theo dõi, thống kê đánh giá hiệu suất sử dụng, đảm bảo sự bền vững trong việc sử dụng tài nguyên.
Trữ lượng và tài nguyên trong báo cáo kết quả thăm dò được phê duyệt, công nhận là cơ sở để cơ quan thiết kế khai thác nghiên cứu lập báo cáo khả thi hoặc dự án đầu tư về khai thác mỏ. Dự án sẽ xác định các phương án khai thác, xác định phương án tối ưu, đánh giá hiệu quả kinh tế và tính rủi ro của dự án theo sự biến động các thông số đầu vào như giá nguyên vật liệu, giá bán sản phẩm, qua đó xác định các mức hàm lượng công nghiệp tối thiểu và hàm lượng quặng thải hợp lý ở mỏ… Các thông số cơ bản của dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt là cơ sở để cấp Giấy phép khai thác như: Diện tích, tọa độ, mức sâu, trữ lượng và tài nguyên khoáng sản huy động vào thiết kế, trữ lượng khai thác, công suất khai thác, thời gian khai thác... Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác có trách nhiệm phải báo cáo kết quả khai thác, cập nhật hiện trạng mỏ, thống kê, kiểm kê trữ lượng, tài nguyên và báo cáo sự biến động trữ lượng, tài nguyên trong khai thác ở mỏ theo quy định. Khi các thông số kinh tế - kỹ thuật ở mỏ có sự thay đổi lớn thì được phép điều chỉnh thiết kế khai thác và giấy phép khai thác.
Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện xuyên suốt từ quy hoạch đến quản lý cấp phép các hoạt động thăm dò và khai thác mỏ. Quan trọng nhất của công tác quản lý tài nguyên khoáng sản là quản lý hoạt động khai thác mỏ mà chủ yếu là quản lý lượng đầu ra của quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên. Chỉ sau khi khoáng sản được khai thác ra khỏi lòng đất mới tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị mua bán, trao đổi, vì vậy đây là đối tượng quan trọng nhất cần được quản lý và kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động khoáng sản.
Hiện nay trừ các khoáng sản chiến lược, quan trọng nhà nước đầu tư thăm dò và khai thác, còn lại hầu hết các khoáng sản đều do các tổ chức, cá nhân thực hiện từ khâu thăm dò đến khai thác và tự chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư của mình.
Từ một số nội dung chuyên môn trên, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công tác quản lý các hoạt động thăm dò, thẩm định và công nhận trữ lượng, tài nguyên; xác định rõ đầu mối và mức độ quản lý tài nguyên và trữ lượng khoáng sản phù hợp với từng giai đoạn; xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng trước khi cấp phép và trong quá trình khai thác để hạn chế rủi ro trong đầu tư và nâng cao hiêu quả khai thác và sử dụng tài nguyên. Công tác quản lý tài nguyên cần hướng đến thực chất là quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản.
Đối với các dự án thăm dò thực hiện bằng vốn của các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm với dự án đầu tư và các kết quả thăm dò của mình. Công tác quản lý chỉ tập trung vào thẩm định đề án, cấp giấy phép thăm dò, thẩm định và công nhận kết quả thăm dò (không nhất thiết kiểm soát các hoạt động thăm dò). Các doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký trữ lượng và tài nguyên trong báo cáo kết quả thăm dò với cơ quan quản lý và sử dụng để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoặc dự án đầu tư khai thác mỏ.
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng tối ưu tài nguyên, không nên hạn chế việc huy động một phần tài nguyên 333 (tài nguyên dự tính) đã xác định trong báo cáo kết quả thăm dò đã đăng ký vào lập dự án và thiết kế khai thác, song yêu cầu trước khi khai thác phải thăm dò bổ sung nâng cấp.
Đối với hoạt động khai thác, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công tác thẩm định và cấp giấy phép khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác mỏ theo các nội dung trong giấy phép khai thác; kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác và tiêu thụ khoáng sản thực tế ở mỏ; nghiên cứu cho phép doanh nghiệp được chủ động trong thăm dò bổ sung, thăm dò nâng cấp trữ lượng và được điều tiết công suất khai thác trong giới hạn phù hợp để thích ứng với sự thay đổi các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và nhu cầu thị trường nguyên liệu khoáng, đảm bảo khoáng sản ở mỏ được khai thác một cách hợp lý, tiết kiệm, bền vững và bảo vệ môi trường.