Thông tư này được xây dựng nhằm thay thế thay thế 2 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành gồm: Thông tư 33/2016/TT-BTNMT ngày 7/11/2016 ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; Thông tư số 20/2022/TT-BTNMT ngày 19/12/2022 ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc tài nguyên đất.
Theo Dự thảo Thông tư, phạm vi điều chỉnh Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội (cấp vùng) áp dụng cho các công việc: Điều tra, đánh giá đất đai cấp vùng (Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; Điều tra, đánh giá thoái hóa đất; Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất); Điều tra, đánh giá đất đai cả nước; Quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất.
Về đối tượng áp dụng, Dự thảo nêu rõ: Định mức kinh tế - kỹ thuật này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc điều tra, đánh giá đất đai theo quy định hiện hành của pháp luật đất đai sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Lấy mẫu đất (ảnh minh họa)
Đồng thời, được sử dụng để xây dựng dự toán kinh phí nhiệm vụ điều tra, đánh giá đất đai cả nước, cấp vùng; làm căn cứ giao dự toán và quyết toán giá trị sản phẩm điều tra, đánh giá đất đai cấp vùng và cả nước.
Dự thảo cũng quy định rõ: Hệ số điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; Quy định về sử dụng định mức; Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất cấp vùng; Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá thoái hóa đất cấp vùng; Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra đánh giá ô nhiễm đất cấp vùng; Tổng hợp kết quả đánh giá đất đai cả nước; Quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất.
Về quy định về sử dụng định mức, Dự thảo thông tư quy định định mức này chỉ quy định mức cho hoạt động trực tiếp điều tra, đánh giá đất đai cả nước, cấp vùng. Các hoạt động lập nhiệm vụ, quản lý chung, kiểm tra nghiệm thu, vận chuyển và các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ sẽ được xác định trong quá trình lập nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Định mức lao động là hao phí thời gian lao động cần thiết của người lao động trực tiếp sản xuất ra một sản phẩm (hoặc thực hiện một bước công việc hoặc một công việc cụ thể) và thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật hiện hành.
Định biên xác định số lượng và cấp bậc lao động cụ thể để thực hiện từng nội dung công việc trong chu trình lao động đến khi hoàn thành sản phẩm. Trong Thông tư này, việc xác định cấp bậc kỹ thuật để thực hiện nội dung công việc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BTNMT-BNV ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính và Thông tư số 12/2022/TT-BTNMT ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường;
Định mức quy định thời gian lao động trực tiếp thực hiện một bước công việc, đơn vị tính là công việc công nhóm (công đơn)/đơn vị sản phẩm. Tùy thuộc vào khối lượng công việc và thời gian thực hiện nhiệm vụ có thể bố trí một hoặc nhiều nhóm lao động có định biên theo quy định của Thông tư này để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ.
Công lao động bao gồm: công đơn và công nhóm; thời gian lao động một ngày công là 08 giờ làm việc. Trong đó, công đơn là công lao động xác định cho một lao động trực tiếp thực hiện một bước công việc tạo ra sản phẩm; Công nhóm là công lao động xác định cho một nhóm lao động trực tiếp thực hiện một sản phẩm hoặc bước công việc tạo ra sản phẩm.
Các định mức dụng cụ lao động; tiêu hao vật liệu; tiêu hao năng lượng; tiêu hao nhiên liệu; sử dụng máy móc, thiết bị thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Thông tư số 16/2021/TT-BTNMT ngày 27/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường