Điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường

03/10/2024 - 08:31
152

Trong suốt 79 năm kể từ khi thành lập (2/10/1945 - 2/10/2024), Ngành Địa chất Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, điều tra địa chất và tài nguyên, trong đó đáng chú ý là điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình.

 

Theo GS.TS. Trần Văn Trị, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, liên quan đến địa chất thủy văn - địa chất công trình, từ xa xưa người Việt đã biết dò tìm nguồn nước mặt và nước trong lòng đất để dùng trong sinh hoạt và tưới ruộng bằng các phương pháp dân gian thô sơ. Một vài nguồn nước khoáng, nước nóng cũng được nhắc đến trong một số văn liệu cổ.

Việc điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình một cách khoa học mới được triển khai từ thời Pháp thuộc (1867- 1945), nhằm cung cấp nước cho các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, căn cứ quân sự, các công trình xây dựng quy mô lớn... và sau đó còn được tiếp tục trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Người Pháp cũng quan tâm đến tài nguyên nước khoáng, nước nóng từ rất sớm với công trình nghiên cứu về nguồn nước khoáng Phúc Thọ (Quảng Nam) của C. Madrolle (năm 1885); các bài chuyên khảo về nước khoáng, nước nóng Việt Nam và Đông Dương của G. Lambert (năm 1910), F. Blondel (năm 1928), M. Autret (năm 1941). Nhà máy đóng chai nước khoáng đầu tiên được xây dựng tại nguồn nước carbonic Vĩnh Hảo từ năm 1928.

Trong thời kỳ chiến tranh (1954-1975), ở miền Bắc, công tác điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình và tài nguyên nước dưới đất được bắt đầu bằng các dự án điều tra tại một số vùng mỏ lớn (than Quảng Ninh, sắt Thái Nguyên, dầu khí Thái Bình...). Các dạng công tác lập bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình khu vực các tỷ lệ 1:200.000, 1:50.000, 1:25.000 và tìm kiếm thăm dò nước dưới đất được triển khai ở một số vùng đô thị và công nghiệp lớn, và về sau được tiến hành ở nhiều vùng khác. Công tác điều tra nước khoáng, nước nóng trong thời kỳ này chủ yếu được tiến hành trong quá trình lập bản đồ địa chất thủy văn và tìm kiếm dầu khí (Cao Thế Dũng, năm 1980, 1983; Châu Văn Quỳnh, năm 1996). Các nguồn nước khoáng, nước nóng có giá trị nhất cũng được nghiên cứu phục vụ yêu cầu chữa bệnh, điều dưỡng.

Ở miền Nam, việc điều tra, khai thác nước được Quốc gia Thủy cục thuộc chính quyền Sài Gòn cùng quân đội Mỹ tiến hành nhằm cung cấp cho các khu công nghiệp, các căn cứ quân sự, trong đó có những công trình có giá trị của H. R. Anderson (năm 1974), W. C. Rasmussen (năm 1966). Về nước khoáng, nước nóng có các chuyên khảo của M. Bredillet et al. (năm 1958), H. Fontaine (năm 1957, 1962).

GS.TS. Trần Văn Trị cho biết, từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), công tác điều tra, nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình được tiến hành trong toàn quốc - trọng tâm nhằm vào các khu đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm. Từ những năm 1980, chương trình điều tra tài nguyên nước ở vùng sâu vùng xa được triển khai ở các tỉnh miền núi phía Bắc, về sau mở rộng ra miền Nam và các hải đảo quan trọng, góp phần giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt, sản xuất, quốc phòng cho những vùng này.

Trải qua 79 năm hình thành và phát triển, Ngành Địa chất Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, điều tra địa chất và tài nguyên

Công tác lập bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình được đẩy mạnh ở quy mô quốc gia, điển hình là các công trình tổng hợp như bản đồ địa chất thủy văn Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1987); bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình, bản đồ các nguồn nước khoáng - nước nóng trong tập Atlas quốc gia (năm 1996). Nhiều bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình tỷ lệ 1:200.000 được thành lập, phủ hơn 73% diện tích lãnh thổ. Hàng loạt bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình tỷ lệ lớn hơn cũng lần lượt ra đời. Tài nguyên nước khoáng, nước nóng cũng được chú trọng đầu tư và đạt được những thành tựu quan trọng. Công tác điều tra nước nóng như một dạng năng lượng mới tuy mới bắt đầu nhưng cũng mở ra một triển vọng sáng sủa.

“Ngoài công tác chuyên môn truyền thống kể trên, từ những thập kỷ cuối thế kỷ 20, Nhà nước cũng đã đầu tư những lĩnh vực mới về địa chất thủy văn - địa chất công trình như: thiết lập và vận hành mạng lưới quốc gia quan trắc động thái nước dưới đất trên những vùng kinh tế, dân cư quan trọng; điều tra địa chất thủy văn môi trường; tai biến địa chất, địa chất đô thị... và đã đạt được kết quả tốt phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”, GS.TS. Trần Văn Trị khẳng định.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang