Đây là nghiên cứu thuộc Đề tài Khoa học Công nghệ cấp Quốc gia của ThS. Lương Tuấn Trung cùng đồng sự - Trung tâm nghiên cứu Thuỷ văn và Hải văn (Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu).
* Lưu vực sông Hồng – nơi đón lũ
Lưu vực sông Hồng được biết đến như một nơi “đón” thiên tai ở miền Bắc, đặc biệt là lũ lụt, xảy ra hàng năm trên lưu vực. Lũ ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, kinh tế, xã hội trong khu vực. Để giải quyết vấn đề về lũ ngập, hệ thống liên hồ chứa trên lưu vực đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống liên hồ chứa tại Việt Nam, đặc biệt trên lưu vực sông Hồng vẫn chưa phát huy được hiệu quả, do cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin ghi nhận về các trận lũ còn thiếu và phân tán; các thông tin về lũ, dự báo và nhận dạng lũ, đặc biệt là lũ lớn trên lưu vực sông tại các cấp quản lý còn hạn chế trong việc tiếp cận, dẫn đến việc ra quyết định quản lý và cảnh báo lũ chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc.
Do vậy, việc xây dựng Hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong công tác ứng phó tình huống lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi sẽ giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu (gồm có dữ liệu khí tượng thuỷ văn thực đo về: Lượng mưa; lưu lượng, thể tích, mực nước sông, hồ chứa…); nền tảng WebGIS hỗ trợ ra quyết định và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ quyết định để quản lý các kịch bản lũ lụt lớn, phức tạp ở hệ thống liên hồ chứa lưu vực sông Hồng.
Phần mềm nhận dạng lũ đưa kết quả lên WebGIS, đảm bảo khả năng tích hợp với các hệ thống khác.
* Càng đủ dữ liệu, quyết định càng chính xác
Khi sử dụng Hệ thống này, kết quả về cơ sở dữ liệu sẽ thu được dữ liệu không gian, có: Bản đồ nền (thảm phủ, địa hình, hành chính); bản đồ các công trình phòng lũ; vị trí quan trắc, dự báo; bản đồ phân vùng rủi ro lũ (theo các kịch bản). Đối với Dữ liệu về khí tượng thuỷ văn sẽ bao gồm: Quan trắc khí tượng thuỷ văn thời gian thực (mực nước, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả); dự báo mưa, hình thế thời tiết; hồ chứa; thống kê lịch sử (lưu lượng lũ max, min, cường suất lũ,…). Bên cạnh đó, dữ liệu mô hình cũng thu về được thông số mô hình (mưa lớn theo từng giai đoạn thời tiết); kịch bản lũ (dự báo mưa 10 ngày); đặc điểm lũ.
Đi cùng phần mềm nhận dạng lũ trong hệ thống là phần mềm WebGIS với chức năng giám sát khí tượng thuỷ văn sẽ cung cấp cho người dùng dữ liệu cập nhật thời gian thực từ: Lượng mưa, mực nước, lưu lượng, dung tích hồ chứa; Nhận định, dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia và cho phép tải dữ liệu dạng bảng excel cùng biểu đồ.
Đặc biệt nhất trong WebGIS là 3 chức năng. Đầu tiên là dự báo, nhận dạng lũ với kết nối mô hình thuỷ văn và nhận dạng lũ vận hành trên Server, thiết lập đầu vào sử dụng mưa quan trắc và dự báo từ hệ thống hoặc người dùng nhập thủ công theo kịch bản mưa giả định, theo đó, cho ra đầu ra là đặc trưng lũ.
Tiếp theo là thiết lập bản đồ phân vùng rủi ro lũ, cho biết về các bản đồ ngập (diện tích, độ sâu ngập), cùng thông tin rủi ro, liên quan đến phân cấp hiểm họa, tính dễ bị tổn thương,…
Cuối cùng là quản trị dữ liệu, đưa ra các thông số cập nhật, thay đổi thuộc tính của các đối tượng trong hệ thống (quan trắc khí tượng thuỷ văn, hồ chứa,…); thông số cấu hình mô hình; quản lý dữ liệu kịch bản lũ ngập và dữ liệu người dùng,…
Từ những kết quả bước đầu ghi nhận được trong Hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong công tác ứng phó tình huống lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng, nhóm nghiên cứu đang gấp rút hoàn thiện và cập nhật dữ liệu, chức năng của Hệ thống, cũng như Đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho cán bộ chuyên môn và người sử dụng để đưa vào vận hành trong thời gian tới, phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống bão lũ.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường