Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 1/12/2024. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
“Hiện nay là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”. Phát biểu khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW giống như một “phát súng lệnh” cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ngay lập tức, cuộc cách mạng này đã và đang lan tỏa khắp hệ thống chính trị trong những ngày cuối năm với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân cả nước.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng ta đã trực diện, quyết liệt đi thẳng vào vấn đề cốt lõi để tháo gỡ nút thắt, khơi thông điểm nghẽn về thể chế phát triển. “Phải nhẹ mới bay lên cao được”, đó cũng chính là yêu cầu, là đòi hỏi, là quyết tâm, là động lực tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực tế cho thấy, mặc dù Đảng đã nhìn ra điểm nghẽn này từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhưng việc triển khai tháo gỡ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Bộ máy của hệ thống chính trị đã trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối và sự chồng chéo trong thực hiện nhiều nhiệm vụ đã tạo rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Con số gần 70% ngân sách dành để chi thường xuyên hay nói cách khác là để vận hành bộ máy, đồng nghĩa với việc nguồn lực chi cho đầu tư phát triển bị hạn chế. Đặt trong bối cảnh một đất nước đang phát triển như chúng ta, đó thực sự là điều bất cập. Do vậy, “đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước” và phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”.
Như vậy, có thể hiểu, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bản chất chính là cuộc cách mạng về vị trí việc làm, về nhân sự, về công tác cán bộ. Ngay lúc này đây, có thể thấy rõ được sự tinh gọn đội ngũ lãnh đạo, quản lý một cách trực diện nhất thông qua các phương án đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương. Ví dụ, theo phương án đề xuất, có thể giảm tối thiểu 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; bộ máy của Chính phủ cũng sẽ được tinh gọn từ 30 xuống 21 đầu mối (giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ) theo hướng thành lập các bộ đa ngành… Tương ứng, ít nhất sẽ giảm được số lượng người đứng đầu các cơ quan Đảng và các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Chưa kể các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp ban, cấp phòng và các đầu mối bộ máy ở địa phương cũng tất yếu sẽ phải chuyển động theo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều nhân sự sẽ dôi dư, bởi các vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ chỉ dành cho người đủ năng lực, phẩm chất và xứng đáng hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trực diện tiếp theo là nhắm vào các cán bộ, viên chức thuộc diện “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Đó là những người “túc tắc, bình thản, vui sướng, ngủ quên trên vòng nguyệt quế” trong lúc đất nước cần phải chạy thật nhanh để đuổi kịp với thế giới. Thói trì trệ, quan liêu đó không chỉ là gánh nặng đối với bộ máy, mà còn gây lãng phí cơ hội phát triển của cơ quan, đơn vị. Thậm chí, tình trạng “sống lâu lên lão làng”, vào biên chế rồi thì ung dung không lo bị mất việc, cũng hạn chế cơ hội phát triển của những người có năng lực, có tiềm năng đóng góp nhiều hơn cho tổ chức. Do vậy, cần thiết không để bộ máy nhà nước là “nơi trú ẩn an toàn”, mà thực sự là nơi tạo động lực cho cống hiến, tinh gọn, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Trực diện nữa là vào các cán bộ thuộc diện “trùng, chéo” và thực tế số lượng này không hề nhỏ. Đây có lẽ cũng chính là trăn trở lớn nhất trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bởi vì những người này đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” xuất phát từ sự cồng kềnh của bộ máy. Họ vẫn là những người làm việc hiệu quả, thậm chí có người làm rất tốt, nhưng “đầu ra” của công việc lại có sự tương đồng với đơn vị khác. Vì thế, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy “đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung”. Đây là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mỗi người, nhưng là việc phải làm và làm ngay từ bây giờ, “không thể chậm trễ hơn được nữa”.
“Phải vượt lên và phải chấp nhận hy sinh. Đức hy sinh là truyền thống của chúng ta. Hy sinh để có được vẻ vang, có được những vinh quang. Hy sinh quyền lợi cá nhân để đất nước phát triển”, đó là bày tỏ chân thành và cũng rất quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tinh gọn bộ máy có thể sẽ được nhìn thấy ngay, còn tinh gọn nhân sự thì có phần cũng sẽ rõ luôn, có phần thì cần thêm thời gian để “hái quả”. Nhưng cho dù thế nào, đây cũng là việc tất yếu phải làm khi tiến hành tinh gọn bộ máy, vì “gọn” rồi vẫn cần phải “tinh” để thực sự “nhẹ để bay lên cao”. Mấu chốt là chúng ta cần giải phóng nguồn lực đang bị kìm hãm bởi sự bất cập trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, để không bỏ lỡ thời cơ bước lên chuyến tàu bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
Theo Báo Tuyên Quang Online