* 7 khó khăn lớn
Qua nắm bắt tình hình thực tế và báo cáo của các địa phương trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận một số khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thi hành còn có một số khó khăn, lúng túng liên quan đến tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, các nghị định theo thẩm quyền của các địa phương.
Cụ thể, thứ nhất, do có sự điều chỉnh về thời điểm có hiệu lực sớm của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hànhLuật này kể từ ngày 1/8/2024 nên các địa phương có sự bị động nhất định. Nhiều nội dung mới chưa thể nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều nội dung rộng, khó khăn đồng thời địa phương cần thời gian rà soát các văn bản quy phạm, văn bản cá biệt và văn bản thông thường đang triển khai trước thời điểm ngày 01/8/2024 để kịp thời sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, khối lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết do các Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giao cho chính quyền địa phương (HĐND tỉnh, UBND tỉnh) ban hành tương đối nhiều (gồm: Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giao 59 nội dung; Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở giao 21 nội dung, Luật Kinh doanh bất động sản không có quy định giao thẩm quyền địa phương ban hành văn bản), việc yêu cầu các địa phương phải xây dựng ban hành các văn bản theo thẩm quyền để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của các Luật và Nghị định là tương đối khó khăn, trong khi số lượng biên chế của các cơ quan chuyên môn được giao chủ trì xây dựng (gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng…) còn ít và đồng thời phải thực hiện đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ tham mưu xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, các văn bản quy định chi tiết được các Luật giao cho tỉnh ban hành có nhiều nội dung mới, có nội dung khá phức tạp, phải mất nhiều thời gian (như: quy định tỷ lệ quy đổi đối với trường hợp có nhu cầu bồi thường bằng đất có mục đích khác với mục đích đất thu hồi; đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật các nhiệm vụ lĩnh vực tài nguyên và môi trường); đồng thời có nhiều nội dung thực tế ở địa phương chưa phát sinh (nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng để cho thuê; nhà lưu trú công nhân,…), nên các cơ quan chuyên môn cần có thời gian để có thể nghiên cứu, soạn thảo các quy định đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương, đúng quy định pháp luật.
Thứ tư, một số văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở có tầm quan trọng, phạm vi tác động rộng lớn đến tổ chức, cá nhân và nhân dân nên quy trình xây dựng văn bản tiến hành theo thủ tục thông thường (không thực hiện trình tự thủ tục rút gọn) để có thời gian lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đảm bảo văn bản ban hành đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi, dẫn đến chậm ban hành văn bản.
Thứ năm, số lượng cán bộ tại các phòng chuyên môn được giao chủ trì xây dựng văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương còn ít, hạn chế về năng lực, trình độ, với khối lượng công việc quá lớn trong thời gian ngắn phải nghiên cứu để xây dựng dự thảo trong bối cảnh còn chưa có đủ thời gian tiếp cận để đọc, hiểu tinh thần của Luật, các Nghị định hướng dẫn thi hành cũng như chưa được các Bộ chủ trì soạn thảo tổ chức tập huấn các Luật, Nghị định và giải đáp vướng mắc. Các cơ quan trên địa bàn (Sở chuyên môn, Sở Tư pháp) chưa có sự phối hợp hiệu quả đồng bộ trong cách thức triển khai thực hiện nên dẫn đến khối lượng công việc và nội dung mà Sở Tư pháp phải thẩm định là quá lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ban hành văn bản chưa đạt mong muốn đề ra.
Thứ sáu, sáu là, một số nội dung còn có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan của địa phương, nên một số địa phương có văn bản hỏi các Bộ ngành chuyên môn để có cơ sở triển khai xây dựng, trình ban hành.
Thứ bảy, khó khăn trong việc điều chỉnh Bảng giá đất để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025; quy định các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với công tác kiểm kê, thống kê đất đai; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác lập bảng giá đất, xác định giá đất, công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với UBND tỉnh Bình Phước ngày 9/10/2024.
* Địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai
Đoàn kiểm tra đã trao đổi trực tiếp với các địa phương, hướng dẫn, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Như hướng dẫn các nội dung quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật mà địa phương còn băn khoăn, làm rõ những quy định của pháp luật đang còn thảo luận.
Đồng thời, Đoàn gợi mở cho địa phương về cách thức đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai như: gộp các nội dung có phạm vi điều chỉnh tương đồng vào một văn bản để giảm bớt thời gian tại các khâu thẩm định; thực hiện quy trình rút gọn theo pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (rút gọn về thời điểm ban hành, rút gọn về thời điểm đăng công khai…); cải tiến cách thức phối hợp giữa các Sở/ngành trong quá trình xây dựng, thẩm định, trình ban hành văn bản; tăng cường sự chỉ đạo tập trung của các cấp, các ngành, của Thủ tưởng đơn vị được giao chủ trì soạn thảo nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản của địa phương, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền của địa phương.
Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực, chỉ đạo sát sao để đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết do các Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giao cho chính quyền địa phương.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường