Hình thành thói quen, duy trì phân loại rác tại nguồn: Cộng đồng dân cư là nòng cốt

25/12/2024 - 08:19
32

Quy định về phân loại rác tại nguồn sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2025. Là khâu đầu tiên trong quá trình xử lý rác thải, phân loại rác tại nguồn có ảnh hưởng đến phương thức, hiệu quả xử lý rác thải nói chung. Bởi vậy, từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng khu dân cư được trang bị kỹ năng và có ý thức phân loại rác tại nguồn tốt sẽ mang đến hiệu quả về lâu dài.

 

Phát huy vai trò của cộng đồng

Phân loại rác tại nguồn - một khái niệm không còn xa lạ, nhưng để biến nó thành hành động thiết thực và mang lại hiệu quả cao thì vai trò của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Cộng đồng không chỉ đóng góp vào việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, môi trường nước ta đang chịu sức ép lớn từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt với khoảng trên 60.000 tấn bị thải ra mỗi ngày. Các “điểm nóng” về môi trường xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các đô thị lớn với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Nếu xử lý chất thải bằng hình thức chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như tốn diện tích đất, chi phí vận hành các bãi chôn lấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường...; Các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… cũng bị chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy.

Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh - loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường...

Do đó, việc phân loại chất thải tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết giúp làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác, đồng thời thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các loại rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Để tìm lời giải cho bài toán này, cần phải giải quyết từ gốc rễ vấn đề. Trong đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần được trang bị những kiến thức về phân loại rác cũng như trang bị cơ sở vật chất đầy đủ để tiến hành phân loại và phải phân loại rác trước khi đem ra bãi tập kết.

Việc cộng đồng dân cư được quy định như một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác giám sát, hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công tác phân loại rác tại nguồn.

Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Phan Chu Trinh hình thành thói quen phân loại rác thải tại nhà, thu gom rác tái chế đi bán gây quỹ

Tạo sức mạnh cộng đồng trong công tác phân loại rác

Phân loại rác thải là một trong những việc làm cần thiết, nhưng hầu như không phải ai cũng biết được tầm quan trọng và có ý thức cho điều này. Vì vậy, cộng đồng dân cư là nơi để truyền tải thông tin một cách hiệu quả nhất. Khi mỗi thành viên trong cộng đồng hiểu rõ về tác hại của rác thải, lợi ích của việc phân loại và các phương pháp phân loại đúng cách, họ sẽ tự giác tham gia vào hoạt động này. Từ đó có thể tạo ra những hoạt động, những phong trào để khuyến khích mọi người thay đổi thói quen, từ việc vứt rác bừa bãi sang việc phân loại rác đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, cộng đồng sẽ phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn, lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, quê hương của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua đó sẽ hình thành, thúc đẩy và duy trì hiệu quả các mô hình chung tay bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở như mô hình đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, phân loại rác tại nguồn; bảo vệ môi trường trong hương ước…

Các thành viên trong cộng đồng có thể tự tổ chức để giám sát việc thực hiện phân loại rác của từng hộ gia đình, từng cơ sở sản xuất như thành lập các đội tự quản, xây dựng các quy định chung và có các biện pháp nhắc nhở, răn đe hay xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, các thành viên trong cộng đồng cũng có thể hỗ trợ nhau trong việc thu gom và xử lý rác thải sau khi đã phân loại…

Tuy nhiên, để phát huy hết sức mạnh của cộng đồng trong công tác phân loại rác, cần có những giải pháp cho một vài khó khăn trước mắt như thiếu cơ sở vật chất để phân loại, thiếu không gian để bố trí các thùng rác, các điểm tập kết; Các chính sách hỗ trợ cho việc phân loại rác tại nguồn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả; Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc phân loại rác…

Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Phan Chu Trinh thu gom, phân loại rác tái chế

Để giải quyết những khó khăn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội. Trong đó, chính quyền địa phương cần đưa ra những chính sách khuyến khích người dân tham gia phân loại rác, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Các tổ chức xã hội có thể hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin và kỹ năng phân loại rác. Quan trọng nhất, mỗi người dân là một nhân tố đóng góp vào sự thành công của công tác phân loại rác tại nguồn, người dân cần phải thay đổi thói quen phân loại rác, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.

Theo bà Vũ Thị Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phân loại rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn trước mắt. Tại phường Phan Chu Trinh, việc phân loại rác đã được các hội viên Hội Phụ nữ thực hiện từ nhiều năm trước, thời gian đầu, việc phân loại rác chưa thu hút nhiều hội viên tham gia, nhưng sau quá trình được vận động, tuyên truyền, nhiều chị em phụ nữ đã tích cực phân loại rác.

Để có được thành công đó, Hội đã chủ động sưu tầm, biên soạn lại nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng phụ nữ trong phường. Sử dụng tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội nghị truyền thông về tác hại của rác thải và hướng dẫn phân loại, thu gom, xử lý rác thải hoặc bằng hình thức thông qua các hội nghị của phường, các buổi sinh hoạt hội viên chi hội, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, các hội nhóm cả trên mạng xã hội và trực tiếp. Qua đó, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường cũng chỉ đạo các chi hội phụ nữ tích cực tuyên truyền, lan tỏa nội dung của hoạt động phân loại, thu gom, xử lý rác thải cũng như hoạt động bán rác gây quỹ nhân đạo từ thiện. Linh hoạt, sáng tạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt gắn với nhiệm vụ của các cấp hội phụ nữ.

Đăc biệt, mới đây, để đẩy mạnh phong trào phân loại rác, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với UBND và Đoàn Thanh niên phường Phan Chu Trinh cùng với Urenco Hoàn Kiếm tổ chức Chương trình "Thứ Bảy Xanh - Ngày hội đổi rác lấy quà”. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác thải tại hộ gia đình, đồng thời khuyến khích phát triển thói quen tích cực trong việc thực hiện phân loại rác ngay từ nguồn. Chương trình đã thu hút được đông đảo người dân trên địa bàn phường tham gia và thu gom được tổng hơn 300kg rác thải các loại.

“Qua thời gian triển khai mô hình, những kết quả bước đầu đạt được đó là tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc xây dựng, hình thành nên những thói quen tốt, lan tỏa tới người dân trong việc chủ động thực hiện phân loại trước khi mang ra bỏ rác. Có thể nói, sự đoàn kết và tinh thần cộng đồng của các chị em trong Hội Phụ nữ phường Phan Chu Trinh đã góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp, tiến tới biến rác thành tài nguyên.” – Bà Vũ Thị Dung chia sẻ.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang