Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì cuộc họp
Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, Bộ TN&MT cũng ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện Chiến lược.
Báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược viễn thám, ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, tính đến nay, đã có tới 89,1% các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược và gần 80% các địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch thực hiện chiến lược đã được ban hành.
Sau 5 năm thực hiện Chiến lược, đến nay văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực viễn thám dần được hoàn thiện, đưa các hoạt động viễn thám vào nề nếp và thúc đẩy ứng dụng viễn thám ra nhiều ngành, lĩnh vực. Nổi bật, Cục Viễn thám quốc gia đã xây dựng và ban hành 26 văn bản, trong đó có 01 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 23 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; 01 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành liên quan đến lĩnh vực viễn thám.
Ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia báo cáo tại cuộc họp
Cùng với đó, hiện nay, Việt Nam đã bước đầu làm chủ được công nghệ chế tạo, tích hợp vệ tinh viễn thám. Hạ tầng kỹ thuật về viễn thám ở nước ta đã được hình thành đầy đủ từ vệ tinh viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám. Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về viễn thám đang diễn ra hết sức mạnh mẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phát triển ứng dụng viễn thám. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Tuấn Ngọc, hiện nay, nguồn nhân lực về viễn thám còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và có xu hướng suy giảm. Việc thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao làm việc quản lý nhà nước, ứng dụng và phát triển viễn thám rất khó khăn; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện;…
Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ viễn thám mặc dù được đẩy mạnh dưới sự thúc đẩy của Chiến lược viễn thám, tuy nhiên, Việt Nam còn chưa bắt kịp với trào lưu của thế giới đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, xử lý, chiết xuất thông tin từ dữ liệu viễn thám.
Chỉ ra những hạn chế sau 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược viễn thám, ông Trần Tuấn Ngọc cũng đưa ra phương hướng nhiệm vụ thực hiện chiến lược giai đoạn 2025-2030. Trong đó tập trung vào việc: Hoàn thiện khung pháp luật về viễn thám trong quản lý không gian vũ trụ. Cân nhắc xây dựng Luật quản lý không gian vũ trụ của Việt Nam; Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về viễn thám, coi đầu tư vào viễn thám nói riêng và công nghệ vũ trụ nói chung là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển bền vững, tranh quan điểm đầu tư để sinh lợi nhuận; Xây dựng cơ chế phối hợp hạ tầng điều khiển vệ tinh viễn thám, thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, hình thành mạng lưới trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám; Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám theo hướng tích hợp dữ liệu đa nguồn, tạo nền tảng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chiết xuất thông tin không gian từ dữ liệu viễn thám;...
Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Ban chỉ đạo đã tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm để Cục Viễn thám quốc gia hoàn thiện báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược viễn thám. Các ý kiến góp ý tập trung vào việc tổ chức và nguồn nhân lực về viễn thám; việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; việc xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám; đẩy mạnh khoa học và hợp tác quốc tế về viễn thám; nguồn kinh phí cho hoạt động viễn thám;...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao và cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; đồng thời ghi nhận ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tế, mang tính xây dựng cao của các thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp. Thứ trường đề nghị Cục Viễn thám quốc gia tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xem xét bổ sung thêm vào dự thảo báo cáo sơ kết.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, việc triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược viễn thám quốc gia là cơ sở quan trọng để thể hiện đầy đủ hiệu quả, tác động đến của Chiến lược tới sự thay đổi nhận thức, hành động của hệ thống cơ quan quản lý cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thúc đẩy phát triển ứng dụng viễn thám. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thám quốc gia phải đánh giá cụ thể các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp sát tình hình thực tiễn và chặt chẽ, có sự kết nối liên thông giữa các ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện Chiến lược.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường