Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã đóng góp không nhỏ vào việc giúp các địa phương vận dụng những bản đồ về trượt lở đất đá để cảnh báo thiên tai, đồng thời hỗ trợ các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong việc ứng dụng những bản đồ này.
Đã phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho 15 tình miền núi
Là đơn vị “chủ công” trong thực hiện đề án chính phủ “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã bàn giao các sản phẩm của đề án cho địa phương, trong đó đáng chú ý là 25 bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cho 25 tỉnh và 15 bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho 15 tỉnh.
Cụ thể, công tác điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1:50.000 trên địa bàn miền núi của 25 tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã ghi nhận khoảng 14.700 vị trí từng xảy ra sạt lở đất từ kết quả khảo sát thực địa. Qua đó, đã xác định được 358 vị trí/khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở đất và các tai biến địa chất khác liên quan, đồng thời đề xuất 122 khu vực cần điều tra chi tiết hơn với tỷ lệ 1:25.000 hoặc 1:10.000. Đây là những vị trí/khu vực có mức độ rủi ro cao, có khả năng tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, cần có biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại phù hợp, hoặc cần được đề xuất nghiên cứu chi tiết hơn ở tỷ lệ lớn hơn như 1:10.000 hoặc 1:25.000.
Khu vực xảy ra trượt lở đất đá tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Công tác phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên địa bàn miền núi của 15 tỉnh cho thấy, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, và Yên Bái là các tỉnh được đánh giá có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình có nguy cơ trượt lở cao; còn Bắc Giang là tỉnh được đánh giá có nguy cơ trung bình.
So sánh với kết quả điều tra hiện trạng cho thấy, các khu vực có nguy cơ trượt lở cao và rất cao thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, tại thượng nguồn các lưu vực. Đây là những nơi thường ghi nhận được các khối trượt lở có quy mô lớn trở lên, xảy ra trên khu vực sườn tự nhiên, chủ yếu xác định từ công tác giải đoán ảnh viễn thám và phân tích mô hình lập thể số. Những khối trượt này cũng góp phần lớn gây ra các hiện tượng lũ quét, lũ bùn đá ở khu vực hạ lưu của các sông, nhánh suối.
Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cung cấp thông tin chi tiết về các vị trí đã từng xảy ra trượt lở đến thời điểm điều tra tại khu vực các tỉnh miền núi. Vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ này như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại những vị trí đã từng xảy ra, hoặc những nơi có điều kiện tự nhiên và môi trường tương tự. Từ đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp theo quy mô và mức độ nguy cơ xuất hiện trượt lở trong các mùa mưa bão.
Bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có thể hỗ trợ chính quyền địa phương có cái nhìn tổng quan về nguy cơ trượt lở đất tại khu vực các vùng miền núi đã được phân vùng, được chi tiết đến cấp xã ở tỷ lệ 1:50.000. Nhờ đó, khả năng cảnh báo và ứng phó được nâng cao, góp phần hỗ trợ công tác sơ tán dân cư kịp thời, phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.
Đề án đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về kết quả điều tra và lập các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại khu vực các tỉnh miền núi Việt Nam. Các dữ liệu này cung cấp thêm cơ sở để hỗ trợ các địa phương trong việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết quả của Đề án sẽ cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc thiết kế và lắp đặt các trạm quan trắc (cảnh báo trượt lở đất đá, đo mưa...), hỗ trợ xây dựng các bản tin dự báo thời tiết và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét.
Cần cơ chế phối hợp hiệu quả
Đối với các địa phương, việc vận dụng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá trong công tác cảnh báo, dự báo thiên tai đã gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng tồn tại một số khó khăn.
Các bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết và cụ thể về những vị trí có nguy cơ cao, giúp chính quyền địa phương xác định được các khu vực trọng điểm cần giám sát, từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và tài sản. Ngoài ra, nhờ có cơ sở khoa học này, địa phương có thể lập kế hoạch phòng chống thiên tai và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, quá trình vận dụng các bản đồ này cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương còn hạn chế về cơ sở hạ tầng và nguồn lực, thiếu nhân lực có chuyên môn để phân tích và sử dụng thông tin từ bản đồ một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có bộ phận chuyên quản, quan tâm hơn nữa đối với việc sử dụng thông tin thiên tai từ các bản đồ sản phẩm phục vụ công tác cảnh báo, không chỉ là sản phẩm của Đề án mà còn của các đơn vị nghiên cứu khác chuyển giao cho địa phương, dẫn đến tối ưu hiệu quả của việc triển khai cảnh báo và ứng phó thiên tai tại địa phương.
Cán bộ địa chất khảo sát khu vực xảy ra trượt lở đất đá tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Thêm vào đó, bản đồ hiện trạng có thể không phản ánh kịp thời những thay đổi tại địa phương trong điều kiện địa chất bị tác động và thời tiết biến động, làm giảm độ chính xác và khả năng ứng dụng trong việc đưa ra các cảnh báo sớm, cần có những cập nhật thường xuyên theo định kỳ đối với số liệu khảo sát hiện trạng trượt lở đất đá.
Để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc vận dụng bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, Viện đã thực hiện một loạt biện pháp cụ thể. Trước hết, mỗi bộ bản đồ sản phẩm chuyển giao về địa phương, Viện đều tổ chức các hội nghị để tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương trong việc phân tích và sử dụng thông tin từ các bản đồ hiện trạng, cảnh báo, đồng thời cung cấp hướng dẫn chi tiết để cán bộ địa phương có thể tự khai thác dữ liệu đã được chuyển giao.
Để kịp thời phục vụ công tác phòng tránh và giảm thiểu hậu quả do trượt lở đất đá gây ra cho các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện việc chuyển giao ngay các sản phẩm đã hoàn thành của Đề án theo từng giai đoạn. Từ năm 2014 đến năm 2021, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành Trung ương và địa phương để chuyển giao và hướng dẫn quản lý, sử dụng các sản phẩm hoàn thành trong giai đoạn 2012-2018.
Việc chuyển giao này diễn ra trong 3 Hội nghị cấp Trung ương, 6 Hội nghị cấp tỉnh và 64 Hội nghị cấp xã. Các Hội nghị cấp Trung ương được tổ chức vào các năm 2014 tại TP. Yên Bái, năm 2016 tại TP. Hạ Long và năm 2018 tại TP. Lào Cai. Các Hội nghị cấp tỉnh diễn ra vào năm 2019 tại trụ sở Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình và Quảng Trị. Các Hội nghị cấp xã được tổ chức vào các năm 2018, 2019, 2020 và 2021 tại trụ sở UBND của 64 xã trọng điểm thuộc 7 tỉnh gồm Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Qua việc triển khai Đề án trên, cũng như qua những đợt thiên tai gần đây, đặc biệt là sau cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão vừa qua, có thể thấy, để cập nhật và cảnh báo nguy cơ trượt lở, tai biến địa chất nguy hiểm, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và người dân.
Theo đó, chính quyền địa phương cần chủ động thu thập và cập nhật thông tin thực tế về tình hình địa chất, khí hậu, cũng như các hiện tượng bất thường xảy ra tại địa bàn. Các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần hỗ trợ địa phương về mặt kỹ thuật và chuyên môn, cung cấp các công cụ đo đạc, giám sát tự động và hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá và cập nhật các bản đồ nguy cơ trượt lở, tai biến địa chất. Hơn nữa, cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên để đảm bảo thông tin được truyền tải nhanh chóng và chính xác.
Người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, báo cáo những dấu hiệu bất thường tại khu vực sinh sống và chấp hành các hướng dẫn, cảnh báo từ chính quyền. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ thiên tai, giúp người dân chủ động phòng tránh và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường