Kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt

20/11/2024 - 13:42
68

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số địa phương, đặc biệt, một số ao, hồ, suối, ngòi có lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt khả năng tự làm sạch. Trước thực trạng này Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện Dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của hệ thống sông, suối, ao, hồ nhằm kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước mặt.

 

Gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước

Con ngòi dẫn nước vào hồ Như Xuyên thuộc xã Đồng Quý (Sơn Dương) gần như không thể tự làm sạch mình bởi lượng rác thải từ sinh hoạt, sản xuất trút xuống ngày một nhiều hơn. Theo người dân sống trong khu vực, thôn đã tuyên truyền không được đổ rác xuống ngòi nhưng những người ở các thôn khác mang rác từ nhà ra ngòi vứt như chai, lọ, túi nilon. Đặc biệt những người có đất canh tác gần khu vực ngòi sau khi sản xuất những bao bì phân bón, giống, thậm chí là cả bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng trút xuống. Mùa mưa lưu lượng nước lớn cuốn đi nhiều còn đỡ, mùa cạn con ngòi no rác.  

Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước đánh giá chất lượng nguồn nước trên địa bàn  huyện Chiêm Hóa.

Cũng trên địa bàn huyện Sơn Dương, ngay tại khu vực bờ sông đoạn qua thôn Kim Xuyên, xã Hồng Sơn, rác thải sinh hoạt của các hộ dân trong thôn và khu vực lân cận cũng đổ ra rất nhiều.

Xã đã rất quyết liệt trong việc nghiêm cấm người dân xả rác ra môi trường không đúng quy định, đặc biệt là xuống sông, suối, bờ ngòi. Tuy nhiên do bãi rác quy hoạch của xã đã quá tải, chưa thể xử lý nên rất nhiều hộ ra đình làm liều vứt rác xuống sông, suối.

Tại các xã Đạo Viện, Hùng Lợi, Tân Long (Yên Sơn); Hùng Đức, Bằng Cốc (Hàm Yên) tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý hoặc nếu có xử lý cũng chỉ xử lý qua loa rồi xả thẳng vào nguồn nước mặt là các dòng suối, ao hồ.

Mới đây nhất sau trận lũ lịch sử hoàn lưu của bão số 3, một lượng rác khổng lồ từ trên thượng nguồn dồn về hồ thủy điện Tuyên Quang đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, mỹ quan, du lịch và ngành nghề nuôi trồng thủy sản của người dân trên lòng hồ.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được quan tâm và bảo vệ hiệu quả, hiện tượng ô nhiễm, lấn chiếm bờ sông, hồ vẫn diễn ra; chất lượng nước ở một số nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái. Tình trạng suy giảm về nguồn nước mặt vào mùa khô đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là các hồ, ao nằm ở gần các khu dân cư tập trung, khu chăn nuôi lớn, khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản... Chất thải, nước thải xả vào nguồn nước mặt dẫn tới nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, làm mất khả năng sử dụng nước cho các mục đích khác, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Nhận định trong thời gian tới sẽ gia tăng các nhóm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do tác động của nhiều yếu tố nếu không có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, kiềm chế.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước để đánh giá chất lượng nguồn nước mặt.

Kiểm soát nguồn ô nhiễm

Trước thực trạng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt gia tăng, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương “Đề án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của các con sông, suối, ao, hồ”. Theo đó, ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với UBND tỉnh đưa ra các giải pháp quản lý nguồn thải.

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đặc điểm hiện trạng môi trường nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn, làm cơ sở để giám sát diễn biến chất lượng nước sông, hồ; điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận. Trên cơ sở đó, đánh giá được hiện trạng xả nước thải, biến động số lượng, tổng lượng nước thải của các đối tượng xả nước thải và đặc điểm ô nhiễm của các nguồn thải; xác định được dòng chảy tối thiểu trên các sông, hồ; xác định được tải lượng ô nhiễm từ các nguồn thải đổ vào các sông, hồ và khả năng chịu tải của môi trường mặt nước (các sông, suối, hồ nội tỉnh) nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường và quy hoạch phát triển bền vững. Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước sông, hồ.

Các giải pháp trên sẽ kiểm soát, ngăn chặn hạn chế phần nào tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại các sông, hồ... đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn, bền vững cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngay từ bây giờ, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước, tuyệt đối không xả thải rác sinh hoạt, sản xuất xuống sông, suối, ao, hồ; nguồn nước thải phải xử lý đảm bảo trước khi xả ra môi trường để bảo vệ nguồn nước mặt vì môi trường sống của cộng đồng và vì tương lai của chính chúng ta.

Theo Báo Tuyên Quang Online

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang