Bất cập việc phân loại, thu gom rác
Còn đúng 1 tháng nữa, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực. Trường hợp không phân loại rác thải sẽ bị xử phạt, mức xử phạt có thể từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, các đơn vị thu gom cũng chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể trong việc nhận diện, trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại...khiến cho người dân lúng túng khi thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phát thùng rác cho người dân xã Bằng Cốc (Hàm Yên) nâng cao ý thức phân loại rác cho người dân.
Mỗi ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) xả từ 0,5 - 0,7 kg rác thải sinh hoạt. Với những ngày có công, có việc lượng rác sẽ gia tăng hơn. Theo lời chị Ngân, trước đây chị đã từng phân loại rác, lon bia, bìa cát - tông tách riêng; vỏ hoa quả, cậng rau cho vào một túi; thức ăn thừa cho vào một túi. Chỉ còn lại vỏ hộp sữa, túi ni-lon mới bỏ vào thùng rác. Rác là vỏ hoa quả, cậng rau, vỏ trứng… dễ phân hủy nên hàng ngày chị Ngân chỉ mang lượng rác này cho công nhân thu gom. Còn rác thải nhựa là túi ni-lon thì 2 - 3 ngày chị mới đổ một lần. Chị Ngân chia sẻ: Phân loại rác không khó, cái khó nhất hiện nay khiến nhiều người dân như chị loay hoay, lúng túng là rác đã phân loại phải có cách nào để nhận diện. Trên thực tế bản thân chị và nhiều người dân ở cụm dân cư đã phân loại rác và chứa vào những chiếc túi ni-lon nhưng cũng chỉ là những túi tận dụng lại hoặc mua túi chứa rác bán sẵn nên rất khó nhận diện đâu là rác tái chế, rác hữu cơ, hay rác khó phân hủy nên nếu muốn biết chỉ có cách xé túi ra mới biết được.
Cùng tâm lý như chị Ngân, anh Hoàng Văn Hải, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) ngoài việc loay hoay lựa chọn túi đựng rác sau phân loại, anh Hải còn lo lắng không biết việc phân loại rác của gia đình có đúng với yêu cầu hay không? Vì nhiều loại chất thải nhựa không thể tái chế được hoặc rác thải hữu cơ, thức ăn thừa thu gom như nào, tần suất thu?
Đoàn viên thanh niên cấp phát túi thân thiện cho người dân xã Bằng Cốc (Hàm Yên).
Một điều nữa khiến anh Hoàng Văn Hải và chị Nguyễn Thị Thúy Ngân cùng rất nhiều hộ dân lo ngại đó là người dân đã cất công phân loại nhưng sau đó rác vẫn chịu cảnh “3-4 trong 1”. Rác thải hữu cơ, rác thải tái chế, rác thải khó phân hủy và thức ăn thừa vẫn đang được thu gom chung vào một thùng rác lớn. Sau đó, toàn bộ lượng rác thải này lại “lên” cùng một xe để đưa về bãi để thực hiện một quy trình xử lý rác là chôn lấp.
Đó là ở những khu vực thực hiện thu gom rác, với những địa phương chưa có dịch vụ thu gom rác hoặc vì lý do nào đó dịch vụ thu gom rác phải tạm dừng thì tình trạng rác vẫn được đổ lẫn lộn vào nhau, hoặc xả một cách bừa bãi ra môi trường.
Một thời gian dài, người dân các xã vùng hạ huyện Sơn Dương vứt rác khắp mọi nơi, bờ sông, con suối, vệ đường những vị trí khuất trở thành bãi rác. Nguyên nhân là do đơn vị thu gom rác tạm dừng việc thu gom do bãi tập kết rác đã đủ công suất, không còn chỗ chứa.
Bí thêm bí
Tình trạng phân loại, thu gom, tập kết rác đã vậy, việc xử lý rác lại còn nan giải gấp bội lần. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang - Đơn vị thực hiện thu gom, xử lý rác quy mô lớn nhất tỉnh hiện nay, mỗi ngày đơn vị thu gom trên 80 tấn rác thải sinh hoạt của người dân khu vực nội thành. Ngoài ra là rác ở các chợ dân sinh trên địa bàn bao gồm: Rác hữu cơ, rác khó phân hủy, rác công cộng...Toàn bộ lượng rác hiện nay vẫn được thu gom, tập kết, vận chuyển xử lý chung theo một quy trình xử lý thông thường nhất đó là chôn lấp.
Công nhân Công ty cổ phần Dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang nhặt lại những phế liệu có thể tái chế từ rác vừa thu gom về.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, phụ trách phòng Kế hoạch phân trần: Nếu đã phân loại rác tại nguồn thì ít nhất cũng cần 2 loại xe để thu gom, vận chuyển đến 2 cơ sở xử lý riêng, trong khi đó chưa có định mức kinh tế kỹ thuật của cấp có thẩm quyền nên rất khó để doanh nghiệp triển khai thực hiện. Quan trọng nhất là hạ tầng kỹ thuật để xử lý rác vẫn thiếu nếu không muốn nói là không có. Năm 2021, tỉnh chấp thuận cho 3 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn 3 huyện: Yên Sơn, Sơn Dương và Hàm Yên chỉ còn 1 dự án có khả năng thực thi và hiện cũng mới chỉ thực hiện được ở những bước căn bản. Và nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với việc phân loại rác thải tại nguồn thì sẽ khó có thể thực hiện theo đúng lộ trình. Bởi phân loại sẽ phải xử lý trong khi hạ tầng và công nghệ xử lý rác vẫn còn chưa khởi động sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp làm dịch vụ và người dân - Ông Ngọc Anh lo lắng.
Chuỗi dịch vụ môi trường của Công ty cổ phần Tuyên Quang Xanh cũng giống như Công ty cổ phần Dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang. Rác thải hữu cơ, rác thải tái chế, rác thải khó phân hủy vẫn đang được thu gom chung vào một thùng rác lớn và thực hiện một quy trình xử lý rác là chôn lấp. Anh Dìu Nhật Nam, Giám đốc công ty cho rằng, vẫn biết rác là một nguồn tài nguyên nhưng để lấy được nguồn tài nguyên này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư quá lớn vượt quá tầm của doanh nghiệp nên cũng phải tính đến bài liệu cơm để gắp mắm.
Phải hoàn thiện hạ tầng, công nghệ
Đồng chí Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Việc phân loại rác tại nguồn muốn thành công phải đầy đủ, đồng bộ từ chính sách, hạ tầng, công nghệ và phạm vi triển khai. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tỉnh đã từng bước hoàn thiện dần những cơ chế, chính sách để việc phân loại rác, xử lý rác thải dần đi vào quy củ.
Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn. Tiếp đến Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được ban hành. Qua hơn 4 năm tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và người dân, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đã giảm đáng kể. Đáng chú ý, rác thải nhựa có thể tái sử dụng như chai, lọ... đã được thu gom để có một vòng đời mới.
Rác thải nhựa được HTX Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) phân loại xử lý.
Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, đặc biệt là những xã đã về đích nông thôn mới, ý thức của người dân trong việc phân loại, tái chế rác thải nhựa đã đạt những kết quả khả quan. Nhiều trường học hình thành các điểm tập kết chai lọ nhựa để gây quỹ cho các hoạt động của trường.
Ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2025 bắt buộc hộ gia đình, cá nhân sẽ phải phân loại rác thải tại nguồn. Để thực hiện quy định trên, ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ, thu gom rác thải đã phân loại. Giá dịch vụ thu gom rác đã phân loại sẽ được tính theo kg thay vì tính theo nhân khẩu như hiện nay. Giá thu 370 đồng/kg rác thải rắn trong năm 2025 và đến năm 2030 sẽ là 620 đồng/kg. Đây là mức giá đã bao gồm giá trị gia tăng, đây là mức phí thu gom, còn ngân sách Nhà nước vẫn hỗ trợ 100% phí xử lý chất thải rắn.
Luật đã có, cơ chế đã tương đối đầy đủ chỉ còn chờ hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Chắc chắn Nhà máy xử lý rác thải tại Nhữ Khê sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Song trước khi có hạ tầng thì mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm việc phân loại, kiểm soát, xả thải rác; các tổ chức, địa phương duy trì tốt mô hình cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; các hộ gia đình tận dụng những gì có thể từ rác, bởi đó cũng là một tài nguyên đồng thời giảm thiểu sức ép với môi trường sống. Tất cả chúng ta hãy cùng hành động vì một môi trường xanh, sạch, đẹp - Ông Hiệu nhấn mạnh.
Ông Hoàng Hải Trường Đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thảiHuyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác, nhất là chất thải rắn, đồng thời chỉ đạo cụ thể từng địa phương xây dựng các mô hình thu gom rác thải phù hợp với đặc thù của từng khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Khi triển khai thực tế, việc phân loại rác đầu nguồn người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc xử lý rác đã có quy hoạch nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương. Công tác thu gom, phân loại, xử lý tại những nơi trung tâm, thị trấn và những vùng nông thôn cũng có nhiều sự khác biệt, chưa có quy định chi tiết nên thực hiện chưa được đồng bộ. Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể tới từng địa bàn, nhanh chóng triển khai các thủ tục xây dựng nhà máy xử lý rác thải huyện Sơn Dương. Ông Nguyễn Mạnh Cường Tuyên truyền xử lý rác thải tại nguồnPhường Tân Hà xác định việc triển khai thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Để thực hiện hiệu quả, phường đã phối hợp với các tổ dân phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác. Đồng thời, vận động người dân mua 730 thùng rác và hướng dẫn người dân phân loại rác đúng cách, nhất là việc thu gom riêng các loại rác thải có thể tái chế cung cấp cho các đơn vị chuyên thu gom. Qua khảo sát, giá thu gom vật liệu trên địa bàn thành phố đối với sắt phế liệu công trình từ 9 - 12 nghìn đồng/kg; sắt vụn phế liệu từ 10 - 15 nghìn đồng/kg; nhôm dẻo phế liệu từ 50 - 70 nghìn đồng/kg; giấy phế liệu từ 5 - 14 nghìn đồng/kg; nhựa ABS phế liệu từ 25 - 60 nghìn đồng/kg... Việc vận động người dân thu gom, phân loại phế liệu có thể tái chế góp phần bảo vệ môi trường. Bà Nguyễn Thị Thu Hà Nguồn lực cho thu gom xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầuLà một trong những đơn vị tham gia thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn. Hiện cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; thiếu các trạm trung chuyển tái chế rác; nguồn lực dành cho hoạt động thu gom xử lý rác chưa đáp ứng nhu cầu…Vì vậy, việc phân loại rác bắt buộc theo quy định của Luật vì thế còn nhiều khó khăn. Trước mắt, đơn vị tiếp tục thực hiện chủ trương “mưa dầm thấm lâu”, phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật tạo thói quen phân loại rác trong Nhân dân. Qua các buổi thu gom rác thải để mang đi xử lý, nhân viên của công ty cũng tuyên truyền cho người dân hiểu việc làm phải phân loại rác ngay từ đầu nguồn. Đồng thời, quan tâm nhân rộng các mô hình phân loại, xử lý rác hiệu quả; vận động Nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn tích cực tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy làm phân bón cho cây trồng, sử dụng hiệu quả rác tái chế… góp phần giảm thiểu rác thải phát sinh ra môi trường. Bà Ngô Thị Chúng Tự phân loại rác tại nhàCùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra càng trở nên phổ biến. Ô nhiễm không chỉ xảy ra ở các đô thị mà còn cả ở những vùng nông thôn. Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý rác thải hiện nay chủ yếu vẫn mang tính thủ công, sử dụng phương tiện thu gom thô sơ chuyên chở về nơi tập trung rồi xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Do đó, tôi tạo thói quen phân loại rác tại nhà. Rác sinh hoạt gia đình mỗi ngày đều được tôi phân thành 3 loại. Rác vô cơ bỏ vào một thùng. Số rác có thể tái chế, tôi dồn riêng vào bao tải, rác hữu cơ tôi ủ bón vườn. Tạo thói quen phân loại rác mỗi ngày, tôi thấy thay đổi rõ rệt từ môi trường sống xung quanh. Theo Báo Tuyên Quang Online |