Tham dự buổi lễ có ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường; TS. Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng - Thông tin Truyền thông, Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng Biên tập Báo TN&MT; TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng, Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô- dôn, Cục Biến đổi khí hậu; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Khoa Môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội; Đại diện các Bộ, ban, ngành cùng các chuyên gia, Lãnh đạo Nhà trường, các thầy cô giáo và đoàn viên của Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Trường Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Cảnh sát, các trường THCS, PTTH của thành phố Hà Nội.
Đại diện Ban tổ chức giải đáp các thắc mắc liên quan tới cuộc thi
Ô nhiễm không khí tại đô thị lớn tiếp tục gia tăng
Phát biểu tại buổi lễ, ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết, hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khoẻ con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới, trong mỗi năm có tới hàng triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, nguyên nhân chủ yếu với loại bụi siêu mịn có thể đi sâu vào trong cơ thể con người.
Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí đã tăng lên mức độ đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet.
Chia sẻ về nguyên nhân gây tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ông Cao Minh Tuấn cho rằng, ô nhiễm không khí bắt nguồn từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do công nghệ sản xuất ở nước ta chưa hiện đại, hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên chưa cao; hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng các phương tiện giao thông vận tải, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ đã quá niên hạn, không đáp ứng quy định kiểm soát khí thải; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa được chú trọng. Sức ép môi trường từ các lĩnh vực sản xuất, việc đốt ngoài trời, bao gồm cả đốt rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, đốt rác thải sinh hoạt không đúng quy định ở một số địa phương…
Ban tổ chức, đại diện các cơ quan trong Bộ TN&MT thực hiện nghi thức Lễ phát động
Phát động cuộc thi tìm kiếm sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm không khí
Trước tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng đang diễn ra tại các thành phố lớn của Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn nhằm giảm phát thải từ các nguồn chính. Cụ thể, về giao thông, giảm bụi đường; giảm ùn tắc giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; phân vùng giao thông …; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp; đầu tư chuyển đổi khuyến khích phương tiện giao thông công cộng….; các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải di động, nguồn phân tán, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp, công cụ về chính sách, kỹ thuật, kinh tế và các giải pháp quản lý khác nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề ở các đô thị mà còn là vấn đề ở khu vực, cũng như toàn cầu. Vì vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, chúng ta cần phải có sự chung tay, nỗ lực rất nhiều của các Bộ, ngành, địa phương không chỉ về vấn đề nguồn lực tài chính mà phải có những chiến dịch truyền thông, giáo dục để thay đổi về tư duy, nâng cao nhận thức của mọi người.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”, hôm nay, Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp với Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí” và “Tranh số hành động vì môi trường không khí”. Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng phát huy tư duy, sáng tạo những ý tưởng, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí.
Tặng thưởng cho đoàn viên, đại biểu tham gia mini game trên Kahoot tìm hiểu về sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường không khí
Cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn xã hội, cộng đồng; Giới trẻ và thế hệ gen Z, các trường trung học phổ thông; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp.
Thể lệ cuộc thi “Tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường không khí” và “Tranh số hành động vì môi trường không khí” 1. Yêu cầu đối với tác phẩm dự thi - Tác phẩm dự thi là video clip (thời gian 03-05 phút), nội dung: tuyên truyền, lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường không khí. - Yêu cầu về Format tác phẩm dự thi, gồm: + Giới thiệu thông tin chung về tác giả; + Phần mở đầu: Giới thiệu về ý tưởng, dự án; + Phần chính: Nội dung tham dự, hành trình ý tưởng của tác giả thông điệp truyền tải; + Phần kết: Kết quả, đề xuất. - Các tác phẩm dự thi có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng và chưa đạt giải thưởng tại bất kỳ cuộc thi nào. - Tác phẩm tham dự phải đảm bảo không vi phạm bản quyền tác giả (trường hợp tác phẩm được giải thưởng bị phát hiện vi phạm bản quyền tác giả thì Ban Tổ chức thu hồi lại giải thưởng). - Tác phẩm dự thi phải là sản phẩm của tác giả, chưa được trình chiếu hoặc đăng tải trên mạng Internet hoặc trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào trước đây và không cùng gửi dự thi các giải thưởng khác. - Tác phẩm dự thi không được đặt bất cứ ký hiệu nhận dạng nào. - Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin cung cấp cho Ban Tổ chức. 2. Hình thức nhận Hồ sơ, tác phẩm dự thi: - Đăng tải các tác phẩm dự thi và nhập thông tin về tác giả, tác phẩm lên Website của Cuộc thi: https://onkk.tainguyenmoitruong.gov.vn - Tác giả dự thi điền đầy đủ các thông tin dưới đây: + Thông tin của tác giả, bao gồm: Họ tên, nơi công tác/học tập, địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên hệ, email. + Nội dung: Tên tác phẩm; Địa điểm và thời gian thực hiện tác phẩm; Nội dung, ý nghĩa tác phẩm. 3. Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 05/12/2024 đến trước 17h00, ngày 30/5/2025. Dự kiến thời gian tổ chức Lễ Trao giải: tháng 08/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh. 4. Giải thưởng Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ trao 02 Giải Nhất (15.000.000 đồng/giải), 04 Giải Nhì (8.000.000 đồng/giải), 06 Giải Ba (5.000.000 đồng/giải), 08 Giải Khuyến khích (2.000.000 đồng/giải), Giải thưởng dành cho các tỉnh/trường có nhiều thí sinh, tác phẩm dự thi nhất. Mỗi giải bao gồm Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng. Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường |