Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước... là những nguy cơ tiềm ẩn tác động trực tiếp đến an ninh, an toàn và phát triển bền vững của ngành Nước Việt Nam.
Đặc biệt, những diễn biến bất thường như khô hạn vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; nhiễm mặn, nhiễm phèn các tỉnh duyên hải và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lũ quét, lũ ống ở các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai... mưa bất thường, độ đục tăng đột biến vượt khả năng xử lý của các hệ thống dẫn đến chất lượng nước không ổn định, sự cố đường ống xảy ra, cung cấp nước gián đoạn...là những khó khăn mà hiện nay nhiều doanh nghiệp cấp thoát nước tại các địa phương đang phải đối diện.
Theo TS Trần Anh Tuấn, đứng trước những thách thức này, ngành Nước Việt Nam đang tập trung đóng góp các nội dung xây dựng Luật Cấp Thoát nước, dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2025 với những chính sách tài chính phù hợp, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, Nhà nước hỗ trợ cho các vùng miền núi khó khăn, các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu.
TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu
Dự thảo Luật hướng đến việc quản lý vận hành công trình cấp thoát nước bền vững, hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong lĩnh vực thoát nước mưa và thu gom nước thải, quản lý nước đô thị bền vững tại một số tỉnh, thành phố; chia sẻ các mô hình quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hiệu quả bền vững…từ đó đề xuất các giải pháp công nghệ môi trường bền vững và tối ưu.
Bàn về thách thức và giải pháp liên quan đến nguồn nước Việt Nam, GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm chất lượng nước do ô nhiễm nguồn nước từ thượng nguồn cũng như do quá trình khai thác khoáng sản, công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ; việc xả thải không qua xử lý ra sông ngòi, gây ô nhiễm nước bề mặt và nước ngầm.
GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam phát biểu
Cùng với đó, việc cạn kiệt tài nguyên nước do biến đổi khí hậu; tác động từ hệ thống hồ chứa thượng nguồn; khai thác cát quá mức dẫn đến mực nước dòng sông bị hạ thấp rất nghiêm trọng; khai thác nước ngầm quá mức; quản lý không đồng bộ, chồng chéo ở cấp bộ, giữa các cấp chính quyền, các ngành công nghiệp và người dân cũng là những nguyên nhân chính gây mất an ninh, an toàn đến nguồn nước của Việt Nam.
GS.TS Đào Xuân Học nhận định, những thách thức về nguồn nước của Việt Nam rất lớn và cấp bách, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, kết hợp giữa hoàn thiện thể chế chính sách về tài nguyên nước với việc hoàn chỉnh tổ chức bộ máy; đầu tư công nghệ xử lý nước thải (nước thải công nghiệp), đặc biệt cần sự hợp tác đồng bộ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Ông Alexander Redeker, Giám đốc điều hành Công ty Aone Deutschland AG (Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ tại Hội thảo
Đề cập đến sự phát triển ngành Nước đáp ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Alexander Redeker, Giám đốc điều hành Công ty Aone Deutschland AG (Cộng hòa Liên bang Đức), vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long đối với kinh tế và an ninh lương thực của Việt Nam là không thể phủ nhận. Việc giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và tìm ra biện pháp thích hợp cho địa phương là điều thiết yếu cho sự phát triển thịnh vượng ở khu vực này.
Bên cạnh những hậu quả tiêu cực cho người dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc thiếu hụt nguồn nước ngọt còn tác động lớn tới Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực nông nghiệp và kinh tế trọng điểm của Việt Nam.
Đề xuất giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Alexander Redeker, trước hết Chính phủ Việt Nam cần vận động toàn dân tiết kiệm nước; thay đổi loại cây nông nghiệp phù hợp; thiết kế các nhà máy xử lý nước. Đồng thời, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng nước trung tâm cho nguồn nước ngầm và nước sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong kết nối với các nhà máy xử lý nước thông minh thích ứng; nhà máy xử lý nước khu vực có hệ thống ống truyền tải phân phối…
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường