Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh trao tiền hỗ trợ cho giáo viên trên địa bàn huyện Chiêm Hóa bị thiệt hại về tài sản do mưa lũ.
Vượt lên hoàn cảnh để dạy tốt
Mỗi thầy cô giáo công tác trong ngành Giáo dục đều có những hoàn cảnh riêng, trong đó không ít thầy cô có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc đang phải gồng mình chống chọi lại bệnh tật. Song trong các thầy cô luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”, cố gắng mang tri thức vun đắp cho lớp lớp học trò trưởng thành.
Hơn 1 năm trước, cô giáo Hoàng Thanh Hiếu, trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) phát hiện mình bị ung thư máu, cả bầu trời khi ấy như sụp đổ đối với cô. Thế nhưng với tình yêu nghề cháy bỏng, cô đã kiên cường chống lại bệnh tật để dạy tốt. Vừa qua, cô Hiếu còn tham gia và là một trong những giáo viên có thành tích xuất sắc được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đối với giáo dục phổ thông.
Hay câu chuyện của cô giáo Trần Thị Kim Long, trường Mầm non Vĩnh Lợi (Sơn Dương) mắc bệnh ung thư quái ác từ hơn 7 năm trước. Vượt qua bạo bệnh, sau quãng thời gian điều trị, hàng ngày cô Long vẫn lặng lẽ vượt chặng đường hơn 20 km từ nhà để tới trường dạy học. Những lớp học có cô như được truyền cảm hứng, trẻ em vui vẻ, phụ huynh yên tâm. Để những giờ dạy trẻ hấp dẫn cô cố gắng làm thêm đồ dùng, đồ chơi cho các con, cùng với đó là phong thái gần gũi, tự tin giúp các trẻ cảm thấy tình thương ấm áp, ít ai biết cơn bạo bệnh vẫn hành hạ cô từng ngày.
Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.
Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cô từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Cô Long cho biết, bản thân không may bị mắc bệnh hiểm nghèo nên trong thời gian qua cô đã được nhà trường và các đồng nghiệp hết sức quan tâm, tạo điều kiện để cô chữa bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học. Đối với cô, mỗi ngày được đến trường được dạy học đã tiếp thêm nghị lực để cô vượt lên hoàn cảnh.
Nhằm kịp thời động viên, giúp đỡ các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, ngành Giáo dục tỉnh, Công đoàn ngành và các cấp các ngành luôn quan tâm, thực hiện tốt các chính sách cũng như có sự hỗ trợ kịp thời đối với các nhà giáo. Cô giáo Ma Thị Bình, trường THPT ATK Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, bản thân cô bị U tuyến giáp, chồng cô Bình là lao động tự do và ốm đau thường xuyên, ngôi nhà gỗ của gia đình cô ở đã 20 năm đến nay bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Cũng may vừa qua Công đoàn ngành Giáo dục đã đến hỗ trợ tiền để gia đình cô làm nhà. Gia đình cô huy động sự giúp đỡ của anh em họ hàng, vay mượn thêm để làm ngôi nhà mới, cố gắng hoàn thành ngôi nhà mơ ước trước Tết Nguyên đán năm 2025.
Nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà giáo
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, nhà giáo. Tiền lương và đời sống của nhà giáo trong thời gian qua đã không ngừng được điều chỉnh nâng lên.
Đặc biệt, trong những ngày qua, Quốc hội đã họp và rất nhiều những ý kiến tâm huyết đóng góp nhằm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo mới nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Theo dự thảo Luật Nhà giáo, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây cũng thể hiện sự quan tâm, coi trọng đối với nghề nhà giáo, nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý.
Cùng với nhiều những chính sách đối với nhà giáo thì ngày nay toàn xã hội ngày càng coi trọng đối với nghề giáo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm như miễn học phí, sinh viên có thành tích học tập tốt được thu hút, bố trí việc làm…
Một tiết học của cô trò trường Mầm non Hợp Hòa (Sơn Dương).
Đồng chí Vũ Đình Hưng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành Giáo dục đã tập trung thực hiện tốt công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Để thu hút được sinh viên giỏi, xuất sắc về tỉnh công tác, Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi thư ngỏ để thông tin đến sinh viên các trường đại học sư phạm trên toàn quốc biết đến chính sách thu hút của tỉnh.
Các sinh viên được thu hút về tỉnh luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các em phát huy được năng lực, sở trường của bản thân; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đãi ngộ theo quy định cho giáo viên diện thu hút yên tâm công tác và cống hiến lâu dài cho ngành. Cùng với chính sách thu hút người tài, ngành Giáo dục còn luôn quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với Nhà giáo, chất lượng cuộc sống của nhà giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay là hơn 13 nghìn người. Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo đã luôn được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình hiện nay. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên đã tạo động lực để triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ tăng nhanh và cao hơn bình quân của cả nước; tỉnh đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên; chất lượng giải và số lượng học sinh tham dự và đoạt giải tại các cuộc thi, kỳ thi cấp khu vực và quốc gia ngày càng tăng. Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 2 liên tiếp tỉnh Tuyên Quang có dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024, tỉnh Tuyên Quang có 55 thí sinh đoạt giải ở tất cả các môn thi, tăng 35 giải so với năm học trước, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc về số lượng giải, có 1 thí sinh được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Kết quả điểm trung bình tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng so với kỳ thi năm trước, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc…
Nghề nhà giáo là nghề cao quý và ngày càng được toàn xã hội quan tâm, ghi nhận. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ nhà giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp “trồng người” của tỉnh, qua đó đã đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước.
Bài, ảnh: Huy Hoàng
Cô giáo Lý Thị Hương Mai
Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang)
Giáo viên đóng vai trò quan trọng
Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, việc đổi mới phương pháp dạy học là giải pháp then chốt, trong đó, giáo viên được xác định là người “cố vấn”, tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học. Giáo viên đã xác định rõ mục tiêu giáo dục được đổi mới, nội dung giáo dục là đổi mới phương tiện dạy học, hình thức tổ chức và phương thức đánh giá giáo dục phải đáp ứng được nhu cầu đổi mới. Mỗi giáo viên đã không ngừng học tập, nâng cao, đa dạng kiến thức để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới; có tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao, có lòng nhiệt thành, kỹ năng sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học; có kỹ năng tổ chức hướng dẫn học sinh học tập tốt; có khả năng truyền tải những kiến thức vào chương trình và các hoạt động trong giảng dạy, để phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của học sinh... Qua đó, đào tạo những con người phát triển toàn diện, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần dân tộc, có ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật tốt, chủ động sáng tạo.
Thầy giáo Hoàng Văn Tình
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Thượng Nông (Na Hang)
Chính sách tiền lương được đảm bảo, nhà giáo sẽ yên tâm công tác
Trước đây, thu nhập của nghề giáo còn rất thấp. Tôi giảng dạy đã trên 10 năm nhưng thu nhập vẫn chưa đủ trang trải cho cuộc sống. Vì vậy, ngoài việc đi dạy, tôi còn phải bán hàng online. Khi được thông tin về chính sách cải cách tiền lương cho nhà giáo tôi thấy rất vui. Sự quan tâm này sẽ giúp những nhà giáo như chúng tôi yên tâm công tác, dành thời gian nhiều hơn cho công tác chuyên môn mà không phải suy nghĩ đến gánh nặng cơm áo gạo tiền. Hy vọng sẽ sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí với nghề.
Chị Nguyễn Đoàn Khánh Ly
Chuyên viên Văn phòng, trường Đại học Tân Trào
Xã hội ngày càng coi trọng nghề giáo
Sự thay đổi trong chính sách tiền lương của nhà giáo để đảm bảo mức sống tối thiểu tại địa bàn sinh sống và làm việc được xã hội đồng thuận chính là điều rõ ràng nhất cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với nhà giáo. Đó là thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn, sự chuyên tâm của những thế hệ giáo viên qua các thời kỳ, những cống hiến thầm lặng… Xã hội quan tâm, chăm lo cho nghề giáo, vị thế xã hội của nhà giáo lại càng được bồi đắp theo thời gian, người gắn bó với nghề cao quý lại càng phát huy được năng lực, sở trường, toàn tâm toàn ý với nghề dạy học và thêm gắn bó với công việc đào tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo Báo Tuyên Quang Online