Chiều 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước và Bình Thuận. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng điều hành phiên thảo luận.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Khương Trung
Thảo luận tại Tổ 15, nhiều đại biểu dành sự quan tâm đến các quy định của dự thảo Luật BHYT. Các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời, khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay;…
Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cho ý kiến vào nhiều điều khoản cụ thể liên quan tới quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT; phương thức đóng BHYT; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, góp ý vào quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; trách nhiệm của các cơ quan về BHYT;..
Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị cơ bản đầy đủ theo quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, thông qua.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Tổ. Ảnh: Khương Trung
Góp ý cụ thể vào quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) bảo hiểm y tế quy định tại khoản 21 Điều 1 dự thảo Luật, đại biểu đánh giá cao đề xuất của Chính phủ về quy định cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KBCB BHYT để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như việc KBCB kịp thời cho người bệnh khi cơ sở KBCB đang điều trị cho người bệnh thiếu thuốc, thiết bị y tế.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Điều 59 và Điều 60) không quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở KBCB về điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở KBCB. Đồng thời, đề nghị cân nhắc chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, gây khó khăn cho hoạt động KBCB tại nhiều cơ sở KBCB, nhất là cơ sở KBCB công lập; còn về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ để khắc phục dứt điểm tình trạng này.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo lưu ý, làm rõ hơn một số nội dung. Thứ nhất, dự thảo Luật cho phép điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở KBCB, có nghĩa là sẽ có sự điều chuyển từ cơ sở KBCB tư sang cơ sở KBCB công. Trong điều kiện cơ sở KBCB công phải tuân thủ quy trình, thủ tục mua sắm thuốc, thiết bị y tế chặt chẽ hơn nhiều so với cơ sở KBCB tư, thì có thể xảy ra trường hợp cơ sở KBCB công không chủ động mua sắm mà có thể để cơ sở KBCB tư cung cấp thuốc, thiết bị y tế (thực chất đằng sau có thể là một số cơ sở kinh doanh dược cung cấp thuốc, thiết bị y tế cho cơ sở KBCB công thông qua cơ sở KBCB tư). Do đó, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lạm dụng chính sách.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15. Ảnh: Khương Trung
Thứ 2, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị là cần làm rõ trường hợp “không thể chuyển người bệnh đến cơ sở KBCB khác” tại điểm b khoản 4 để tránh việc lạm dụng, giữ người bệnh ở lại cơ sở KBCB của mình, kể cả vào 1 trong 4 trường hợp cơ sở KBCB phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở KBCB khác phù hợp tình trạng bệnh và yêu cầu của người bệnh (quy định tại Điều 60 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh).
Thứ 3, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ lý do quy định tại điểm c khoản 4 là chỉ thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cơ sở KBCB đã thực hiện hình thức mua sắm đấu thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 23 của Luật Đấu thầu (chỉ định gói thầu dưới 50 triệu) mà không thanh toán trong trường hợp thực hiện đúng quy định về chỉ định thầu trong lĩnh vực y tế (điểm c khoản 1 Điều 23) nhưng trên 50 triệu nhưng không mua được thuốc, thiết bị y tế.
Sẽ sửa đổi toàn diện Luật BHYT ở các kỳ họp sau
Tham gia góp ý tại Tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cơ bản thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Góp ý vào quy định tại khoản 9: Sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Dự thảo Luật, đại biểu cho biết, điểm h khoản 3 quy định: Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm: h) Trẻ em dưới 6 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung
Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung: “kinh phí nhà nước đóng BHYT được tính từ thời điểm ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi, và được tính truy thu từ ngày sinh đến ngày cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành thẻ BHYT”. Vì thực tế hiện nay, một số trẻ em sinh ra ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số không được cha mẹ đăng ký khai sinh ngay (do nhiều nguyên nhân), dẫn đến không cấp được thẻ BHYT, trong khi đó trong thực tế nhiều trẻ sinh ra đã phải can thiệp, điều trị ngay, trong khi đó các văn bản hiện hành của pháp luật lại không quy định cụ thể cho việc truy thu đối với trường hợp phát hành thẻ BH y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi chậm, muộn (không phát hành thẻ BHYT ngay từ ngày sinh), dẫn đến vướng mắc giữa cơ quan BHXH và cơ quan Tài chính, do vậy, tôi đề nghị sửa lại điểm h, khoản 3 như sau:
“h) Trẻ em dưới 6 tuổi (kinh phí nhà nước đóng BHYT được tính từ thời điểm ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi, và được tính truy thu từ ngày sinh đến ngày cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành thẻ BHYT).
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng nêu ý kiến về quy định tại khoản 23: Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 32. Đại biểu cho biết có 2 nội dung đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét. Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức bảo hiểm y tế có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với quý IV trong năm, thời hạn thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế không quá 60 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được báo cáo quyết toán quý IV của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét giảm số ngày giám định của cơ quan Bảo hiểm xã hội từ 60 ngày xuống 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý IV của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, để bảo đảm thời gian cùng với niên độ ngân sách hằng năm của Luật Ngân sách và tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc giám định và quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Vì thực tế hiện nay một cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện giám định và quyết toán chi phí khám chữa bệnh rất chậm, muộn đã gây ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Thứ hai, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau: “Việc thẩm định quyết toán năm đối với quỹ bảo hiểm y tế phải được thực hiện trước ngày 01 tháng 10 năm sau;”.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, theo dự thảo Luật sửa đổi nếu quy định trước ngày 1/10 năm sau mới thẩm định là quá chậm và rất khó khăn cho đơn vị, vì hàng năm quý I đơn vị phải duyệt quyết toán ngân sách với tài chính, thời điểm đó số quyết toán chưa phải là số được thẩm định, sẽ dẫn đến số liệu trên báo cáo tài chính của đơn vị cũng chỉ là số tạm quyết toán. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định thời gian thẩm định quyết toán sớm hơn cho phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Đỗ Đức Duy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung
Phát biểu thảo luận tại Tổ 15, đại biểu Đỗ Đức Duy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, 2 dự thảo Luật được thảo luận Tổ hôm nay là các dự án luật Chính phủ thấy rất cần thiết, cấp bách, cần sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua. Mong muốn của Chính phủ là trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp. Đối với Luật BHYT, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng, đây là dự án luật có nhiều nội dung cần thiết phải sửa đổi vì trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Ở kỳ họp này, Chính phủ chỉ lựa chọn những vấn đề cấp bách nhất, vướng mắc nhất nhằm nhanh chóng tháo gỡ, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện của địa phương. Hiện Chính phủ vẫn đưa dự án Luật này vào chương trình sẽ rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi toàn diện nhưng sẽ báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung
Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu và góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới phạm vi điều chỉnh, quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, sàn giao dịch dữ liệu;…
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường