Tham dự có Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TN&MT Nguyễn Kim Tuyển, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Thanh tra Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Bộ luôn bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Ngay từ đầu năm, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra; nhiệm vụ chuyên môn được giao và đã có nhiều đổi mới trong việc thực hiện nhiệm vụ và thu được nhiều kết quả tích cực trong các công tác như: công tác tiếp công dân; công tác thanh tra, kiểm tra...
Theo đó, năm 2023, Thanh tra Bộ đã triển khai thực hiện 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó đã triển khai thực hiện 19 cuộc thanh tra, kiểm tra; 4 cuộc giám sát đoàn thanh tra và đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.350 triệu đồng. “Nhờ việc đổi mới cách thức thanh tra, kiểm tra thông qua việc nắm bắt tình hình tại địa phương, đơn vị, nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông và phản ánh của người dân… các cuộc thanh tra, kiểm tra đã rút ngắn được 30 - 40 % thời gian trực tiếp làm việc tại địa phương, đơn vị hoặc tại địa bàn thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả”, Chánh Thanh tra Bộ Lê Vũ Tuấn Anh chia sẻ.
Chánh Thanh tra Lê Vũ Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị
Về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại và tố cáo luôn được quan tâm, Thanh tra Bộ đã tham mưu, chuẩn bị cho Lãnh đạo Bộ định kỳ và đột xuất tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật, Trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã tiếp 346 lượt tiếp công dân với 584 lượt người, trong đó có 33 lượt đoàn đông người; Lãnh đạo Bộ đã tiếp 32 lượt với 65 người, cán bộ tiếp 314 lượt với 519 người.
Trong năm 2023, Thanh tra Bộ cũng nhận được là 3.133 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, trong đó có 1.479 vụ việc đủ điều kiện xử lý, còn lại là 1.654 lượt đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý (chiếm 52,79%). So với năm 2022, số đơn nhận được giảm 349 lượt đơn, tuy nhiên, số vụ việc tăng 85 vụ việc (chiếm 5,74%).
Bên cạnh đó, các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ đã Thanh tra Bộ tập trung kiểm tra, giải quyết đảm bảo khách quan đúng pháp luật.
Cũng theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ và duy trì thường xuyên. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm thực hiện; luôn quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính trong đơn vị.
Đại diện các phòng thuộc Thanh tra Bộ đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, Thanh tra Bộ sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra với các nội dung như: Thanh tra hành chính; thanh tra chuyên đề; thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, thanh tra lại…
Trong đó, về thanh tra chuyên đề sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai và tài nguyên nước đối với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
Về thanh thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo; Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với một số dự án.
Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo, Chánh thanh tra cho biết, trong năm 2024, Thanh tra Bộ sẽ thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả.
Đồng thời, tập trung giải quyết các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
Về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện đầy đủ đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường thanh tra phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.
Quang cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các phòng của Thanh tra Bộ đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, qua đó đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận và biểu dương các kết quả Thanh tra Bộ TN&MT đã đạt được trong năm 2023. Thứ trưởng cho rằng, trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã có nhiều đổi mới trong thực hiện các nhiệm vụ về thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tiếp công dân… Qua đó đã thu được nhiều kết quả tích cực như: rút ngắn thời gian thanh, kiểm tra; nhiều công dân đã rút đơn, nhiều địa phương đã thu hồi các Quyết định ban hành chưa đúng…
Về nhiệm vụ năm 2024, Thứ trưởng cho rằng, Thanh tra Bộ cần tập trung vào hoàn thiện kế hoạch thanh, kiểm tra để sớm trình Bộ trưởng ban hành làm cơ sở triển khai trong năm.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng lưu ý, bên cạnh những nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch thanh tra, kiểm năm 2024, Thanh tra Bộ cần phải dự liệu các kế hoạch đột xuất được giao tránh bị động, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân của Bộ, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân kịp thời, hiệu quả. Trong đó, cần rà soát các địa phương chậm giải quyết đơn thư, nếu cần thiết có thể tham mưu lãnh đạo Bộ đề nghị thanh, kiểm tra việc giải quyết đơn thư của địa phương. Đặc biệt, cần lưu ý các vụ việc đã được Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ tiếp nhưng địa phương chậm, không giải quyết.