Ứng dụng công nghệ mới trong thu nhận, xử lý, cập nhật và chia sẻ dữ liệu địa không gian

22/12/2023 - 15:22
50

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ mới trong thu nhận, xử lý, ...

 

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; ông Dương Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; bà Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT; PGS.TS Trịnh Anh Cơ - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Công nghệ địa không gian – công nghệ tiên tiến trong đo đạc bản đồ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho rằng,  ngày nay, công nghệ địa không gian với sự kết hợp các kỹ thuật tiên tiến được sử dụng để thu thập, phân tích và quản lý thông tin không gian của các đối tượng trên bề mặt trái đất đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, phục vụ công tác quản lý lãnh thổ, quản lý tài nguyên. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông (ICT) kết hợp với việc thiết kế chế tạo hệ thống các thiết bị cảm biến, hình thành nên các hệ thống IoT thu nhận dữ liệu từ xa thời gian thực cho phép nhanh chóng thu nhận, cập nhật các dữ liệu liên quan để phục vụ quản lý tài nguyên môi trường, quy hoạch đô thị và ngăn ngừa, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra trong tình hình hiện nay.

Với vai trò quan trọng và hiệu quả cao trong ứng dụng thực tế, công nghệ địa không gian và dữ liệu đo đạc bản đồ cần được tiếp tục quan tâm đầu tư nghiên cứu và ứng dụng.

Hội thảo nhằm giới thiệu một số các kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, một số phương hướng khoa học và công nghệ cần đẩy mạnh nhằm phát triển công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo. 

TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát biểu khai mạc hội thảo

Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học đã giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực trắc địa, bản đồ và viễn thám. Trong đó, một số đề tài được đánh giá mang tính chất định hướng cho việc phát triển công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo, nhiều đề tài có ứng dụng thực tiễn cao, là thông tin dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao dân trí.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo - bước tiến lớn trong tự động hóa trong quy trình sản xuất

Tham luận về nội dung tự động hóa trong cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ lớn: vấn đề về giải pháp, TS. Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo, Hợp tác quốc tế và Tạp chí, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, quá trình phát triển kinh tế xã hội và sự vận động của tự nhiên làm thay đổi các đối tượng, hiện tượng địa lý một cách thường xuyên và liên tục. Điều này dẫn đến cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia không kịp cập nhật sẽ bị lạc hậu theo thời gian.

Để có một bộ dữ liệu nền tảng được cập nhật kịp thời, thống nhất, đồng bộ trên cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí, TS. Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, các giải pháp trong thành lập, cập nhật biến động cần phải từng bước tiến tới tự động hóa trong quy trình sản xuất.

Quang cảnh Hội thảo

Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ hiện đại trong thu nhận dữ liệu, thì các công nghệ xử lý, giải đoán và nhận dạng đối tượng địa lý dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, dữ liệu lớn,.. đã có những nghiên cứu thành công mở ra những hướng đi phù hợp cho tự động hóa. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thanh Thủy, vẫn còn nhiều vấn đề được cho là thách thức chung của phát triển công nghệ này ở các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam cũng có những thách thức riêng cũng cần được nhận diện.

Để giải quyết được những thách thức đó, TS Nguyễn Thanh Thủy đề xuất cần xây dựng giải pháp tự động hóa các bước cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý như phát hiện thay đổi, thu thập và xử lý, tích hợp, cập nhật dữ liệu. Trong đó,  một số giải pháp mang tính kỹ thuật được đề xuất như kết hợp dữ liệu đa nguồn gốc, áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng, thu nhận, xử lý, trích xuất dữ liệu sử dụng công nghệ AI và hệ thống thông tin địa lý tình nguyện (VGI). Bởi các đề xuất này giúp tăng tốc độ, độ chính xác, độ tin cậy và giảm chi phí cho cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý.

TS. Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo, Hợp tác quốc tế và Tạp chí, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tham luận tại Hội thảo

Cùng với đó, định hướng GeoAI là sự lựa chọn phù hợp cho lĩnh vực điều tra cơ bản và cung cấp dữ liệu nền tảng như lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ. Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ tự động hóa cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý là hướng đi cần thiết và mang tính thời sự cao đối với Việt Nam, đặc biệt là với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thành lập, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỉ lệ lớn trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Thanh Thủy trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, Ths. Nguyễn Văn Thảo, Hội trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam cho rằng, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống thông tin địa lý (GIS), đặc biệt là GeoAI – sự kết hợp trí tuệ nhân tạo với dữ liệu địa lý hoặc không gian địa lý đang mở ra những khả năng to lớn, nâng cao năng suất và chất lượng công việc, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của người dùng.

Ths. Nguyễn Văn Thảo, Hội trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam chia sẻ về ứng dụng AI trong GIS

Trong đó, AI đang làm thay đổi việc phân tích dữ liệu không gian bằng cách cung cấp các công cụ và kỹ thuật tiên tiến để xử lý và phân tích một lượng lớn dữ liệu không gian, bao gồm thông tin về bề mặt Trái đất, như: ảnh viễn thám, ảnh hàng không và dữ liệu của GIS. Các thuật toán AI và kỹ thuật thị giác máy tính được sử dụng để phát hiện và trích xuất những đối tượng có ý nghĩa từ dữ liệu không gian. Những kỹ thuật này cho phép xử lý dữ liệu tự động, nhận dạng mẫu và phân tích nâng cao, cải thiện đáng kể hiệu quả và độ chính xác của việc phân tích dữ liệu không gian.

Đặc biệt, Ths. Nguyễn Văn Thảo cho rằng, vệc sử dụng AI trong GIS là một hướng phát triển mới trong Cuộc cách mạng 4.0 mang lại các hiệu quả thiết thực, to lớn trong khoa học địa lý để nâng cao hiệu quả xử lý, phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng, chính xác, mang lại lợi ích bền vững cho các tổ chức thương mại và Chính phủ để thúc đẩy công cuộc đổi mới và duy trì sự phát triển bền vững của thế giới. Nghiên cứu việc sử dụng AI trong GIS tại Việt Nam cần được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và thực hiện trong thời gian tới.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang