Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

18/11/2024 - 08:21
64

Chiều 15/11, tiếp tục Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

 

small_20241115_thuong-vu-qh-hop-luat-dcks_12.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục khoáng sản chiến lược

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về phân nhóm khoáng sản (Điều 6), có ý kiến đề nghị có một danh mục những khoáng sản chiến lược, quan trọng và đặc biệt quan trọng; việc quyết định về thăm dò, khai thác, thu hồi các khoáng sản này thì giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.

small_20241115_thuong-vu-qh-hop-luat-dcks_10.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh lý Điều 3, 45, 67 và Điều 103 liên quan đến khoáng sản chiến lược, quan trọng; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng; bổ sung quy định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng để thu hút đầu tư phục vụ nguyên liệu ngành công nghiệp bán dẫn.

Về phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102), có ý kiến đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực của Nhà nước và doanh nghiệp.

chu-nhiem-uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-le-quang-huy-746.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước để tiếp cận, khai thác, đưa khoáng sản ra khỏi lòng đất, chuyển từ tài nguyên quốc gia, tài sản thuộc sở hữu toàn dân thành tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức, cá nhân. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên có sự khác nhau về cơ chế xác định, việc thu, nộp và không trùng lắp thủ tục hành chính.

Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính liên quan đến việc nộp thuế, nộp tiền cấp quyền để bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; quy định tiền cấp quyền đối với tài nguyên khoáng sản cũng thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp bỏ quy định thu tiền cấp quyền thì không có cơ sở tính giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không gộp với thuế tài nguyên.

Nghiên cứu có quy định về phí thẩm định đề án thăm dò khoáng sản

Về thời gian cho các dự án khai thác khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành phương án quy định theo hướng giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm.

small_20241115_thuong-vu-qh-hop-luat-dcks_3.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Về bổ sung 2 loại phí là phí thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và phí thẩm định đề án đóng cửa mỏ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu có phương án quy định về các loại thuế này.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện nay có 3 dự án Luật cùng trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Tám là dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án Luật Địa chất và khoáng sản (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Tuy nhiên điều chỉnh về quy hoạch lại tiếp cận theo 2 hướng khác nhau; tên gọi, căn cứ và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cũng khác nhau và cũng không thống nhất với luật gốc là Luật Quy hoạch.

Cụ thể, trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản có một tên gọi mới là “quy hoạch khoáng sản” thuộc hệ thống quy hoạch ngành quốc gia. Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch chỉ có “quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản”, “quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng”. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất một phương án thống nhất, khả thi để thực hiện chung.

small_20241115_thuong-vu-qh-hop-luat-dcks_1.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Đối với quy định “việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV không phải căn cứ quy hoạch tỉnh hoặc phương án quản lý về địa chất, khoáng sản được điều chỉnh cục bộ theo quy định tại Điều 15 của Luật” tại khoản 2, điều 75 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần thiết có chủ trương để tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản nhóm IV để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải cân nhắc về quy định liên quan đến cấp phép cho khoáng sản nhóm IV không phải căn cứ quy hoạch tỉnh.

“Bởi đây là một loại tài nguyên mà tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, về nguyên tắc là phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả, không thất thoát. Trường hợp giữ quy định như dự thảo Luật thì phải có giới hạn về phạm vi, trường hợp khai thác khoáng sản nhóm IV để tránh bị lạm dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Liên quan tới việc gia hạn cấp phép, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, khi hết hạn mới bắt đầu được làm thủ tục để cấp phép thì có một khoảng thời gian trống. Bà Hải đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm vấn đề khi thời gian bắt đầu được xem xét để cấp phép cho gia hạn đối với mỏ, nếu trữ lượng còn thì quy định bao nhiêu lâu, và phải trước thời gian hết hạn tránh trường hợp khi xin chủ trương cộng với thủ tục hành chính nữa thì có khi mỏ đã hết hạn đến 1 năm rồi bắt đầu xin chủ trương để gia hạn tiếp.

Tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội

small_20241115_thuong-vu-qh-hop-luat-dcks_4(1).jpg

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung thảo luận

Tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trực tiếp và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và sẽ thiết kế ở cả các luật sao cho có sự tương thích, tương đồng.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn thống nhất là có điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản. Còn thiết kế như thế nào thì trong giai đoạn hoàn thiện thì có thể dẫn chiếu từ luật này sang luật kia từ Luật Quy hoạch và Luật chuyên ngành, như vậy sẽ hài hòa và giải quyết được vấn đề không có xung đột.

Về tên gọi quy hoạch, vấn đề này cơ quan soạn thảo đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, quy hoạch điều tra địa chất vẫn là một loại quy hoạch. Còn về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, được hiểu là quy hoạch khoáng sản nhóm 1 và quy hoạch khoáng sản nhóm 3 và sẽ cập nhật trong danh mục của Luật Quy hoạch trong lần sửa tới đây.

Về thời gian gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản. Theo Bộ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao thời gian là 30+20, tối đa là 50 năm. Còn thủ tục như Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải có nói rằng khi hết thời hạn rồi bị trống, thì hiện nay trong luật đã quy định là chậm nhất 45 ngày trước ngày hết hạn giấy phép thì phải đề nghị được gia hạn giấy phép và thời gian gia hạn thủ tục hành chính công bố là 45 ngày. Còn nếu đơn vị muốn thì có thể đề xuất trước 45 ngày, thậm chí còn có thể đề xuất trước một năm. Bộ trưởng khẳng về vấn đề tổ chức thực hiện là không vướng.

Đối với nội dung phí và lệ phí thì để tránh có khoảng trống về pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ và mong muốn đề nghị Quốc hội cho quy định trong này, còn khi nào sửa Luật Phí và lệ phí thì khi đó sẽ đưa sang Luật Phí và lệ phí, như vậy đảm bảo tính liên tục.

small_20241115_thuong-vu-qh-hop-luat-dcks_6(1).jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và sẽ thiết kế luật sao cho có sự tương thích, tương đồng với các dự án Luật khác đang trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này

Về nội dung khoáng sản nhóm 4, ý kiến cho rằng bây giờ không theo quy hoạch. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, hiện nay khoáng sản nhóm 4, vì là vật liệu san lấp, chỉ xuất hiện khi có công trình xây dựng và công trình đó có nhu cầu san lấp. Cho nên, nếu đặt vấn đề là lập quy hoạch khoáng sản nhóm 4 là không khả thi.

Bộ TN&MT đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng nếu đưa vào quy hoạch là không khả thi. Do đó không lập quy hoạch cho các loại khoáng sản làm vật liệu san lấp, còn vật liệu xây dựng thông thường là cát, đá, sỏi vẫn phải tuân thủ theo quy hoạch thông thường. Vì hiện nay nếu thực hiện như vậy sẽ có thể tận dụng được các vật liệu thải mỏ để có thể làm vật liệu san lấp, tránh lãng phí.

Tham gia bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị cần bổ sung các phương án để tránh tình trạng các doanh nghiệp khi đầu tư chỉ tập trung vào một số công trình, còn những công trình mang tính chất thiết yếu cho người dân, tái định cư, v.v. thì không làm. Đặc biệt là với những dự án khai thác mỏ cần được tính toán ngay từ đầu và có sự tham gia của người dân địa phương để bàn những việc gì khi đầu tư mỏ thì các hạ tầng nào sẽ ảnh hưởngvà quyền lợi của người dân được đảm bảo.

toan-canh-1306.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong đó, lưu ý, rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng luật.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang