Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng Cơ chế bổ sung nước ngầm được quản lý

12/12/2024 - 08:04
62

Đây là chia sẻ của bà Maria Mäkinen, Trung tâm Phát triển Kinh tế, Giao thông và Môi trường Tây Nam Phần Lan tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất” do Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 11/12.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến khai thác nước dưới đất gia tăng, quá trình đô thị hóa khiến bê tông hóa bề mặt, làm giảm việc thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất, trong khi cấp thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt là nguồn cung cấp chủ yếu cho nước dưới đất. Từ đó, dẫn đến suy giảm mực nước, suy thoái tầng chứa nước dưới đất. Thực tế cho thấy, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khu vực đô thị đã xuất hiện suy thoái các tầng chứa nước dưới đất.

 Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Việt Nam và Phần Lan có truyền thống hợp tác trong ngành nước từ đầu những năm 1980 nổi bật nhất là công trình xây dựng và cải tạo một số nhà máy nước do Chính phủ Phần Lan viện trợ với số tiền lên đến 80 triệu USD. Từ nguồn vốn này, các Nhà máy nước Yên Phụ, Tương Mai, Ngọc Hà, Ngô Sỹ Liên được cải tạo, Nhà máy nước Mai Dịch, Pháp Vân đã được xây dựng mới. Hệ thống đường ống cũng được đầu tư mở rộng…Những thay đổi đó đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước và cải thiện đời sống của người dân.

Đặc biệt, Phần Lan với thế mạnh là công nghệ bổ cập nước ngầm, các cố vấn cấp cao, chuyên gia về tài nguyên nước. Vì vậy, thông qua Hội thảo này, ông Ngô Mạnh Hà mong muốn các chuyên gia Phần Lan trao đổi kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước dưới đất; chia sẻ những quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và bổ cập nhân tạo nước dưới đất nhằm phục hồi nguồn nước dưới đất tại những khu vực bị suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cho biết, Phần Lan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc quản lý tài nguyên nước ngầm. Trong đó, việc thiết lập những quy định pháp lý để quản lý nước ngầm được coi là một trong những khuôn khổ toàn diện nhất trên thế giới.

Quang cảnh Hội thảo

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu được yêu cầu thiết lập mạng lưới giám sát nước ngầm để theo dõi chất lượng và số lượng nước, phát hiện xu thế về mực nước, cũng như là tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước. Việc giám sát giúp đảm bảo rằng bất kỳ vấn đề nào, chẳng hạn như ô nhiễm hoặc khai thác quá mức, đều được cảnh báo sớm và giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, thành công của việc bảo tồn nước ngầm cuối cùng phụ thuộc vào các nỗ lực quốc gia và địa phương nhằm thực hiện và thực thi các chính sách của Liên minh Châu Âu.

Trình bày tổng quan về Luật Tài nguyên nước 2023 tại Việt Nam, ông Phạm Văn Tuấn, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải căn cứ vào kết quả đánh giá sự phù hợp về chất lượng, số lượng, khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và yêu cầu bảo vệ nước dưới đất; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Bên cạnh đó, quy định chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở hải đảo, vùng khan hiếm nước và các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác.

Bà Maija Seppala, Tham tán chính sách phát triển, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án bổ cập nước ngầm, bà Maria Mäkinen, Trung tâm Phát triển Kinh tế, Giao thông và Môi trường Tây Nam Phần Lan cho biết, ở Phần Lan, hơn 65% nguồn cung cấp nước của thành phố phụ thuộc vào nước ngầm và hơn 15% trong số này dựa trên Cơ chế bổ sung nước ngầm được quản lý (MAR).

"Việt Nam đang đô thị hóa với tốc độ nhanh và là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Điều đó ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức nước ngầm dẫn đến mực nước ngầm giảm và sụt lún đất cũng là thách thức với tài nguyên nước. Khi được lập kế hoạch và triển khai cẩn thận, MAR có thể là một lựa chọn khả thi để giúp bảo vệ và quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam", bà Maria Mäkinen nói.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Trưởng ban biên tập: Phạm Mạnh Duyệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 06/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 08/2/2023 

Địa chỉ: số 429, đường Trường Chinh, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: 0207.3822863/ 0207.3827993 - Fax: 0207.3822138 - Email: tnmt.tq@gmail.com
Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang